Vietcombank
LNTT quý 1 của Vietcombank hợp nhất tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 5.878 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ có lãi 5.751 tỷ đồng.
Cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Vietcombank sụt giảm nhẹ do giảm cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Trong khi đó, cho vay khách hàng vẫn tăng khá (6,4%) đạt 661.261 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank tăng 4,5% đạt 838.277 tỷ đồng. Đáng chú ý, Kho bạc Nhà nước đã rút hơn 12.400 tỷ đồng khỏi Vietcombank trong quý đầu năm xuống còn 74.621 tỷ đồng.
VietinBank
Chưa công bố BCTC, tuy nhiên, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ngân hàng giảm 17.000 tỷ đồng xuống 1,15 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng cũng sụt giảm và mới chỉ tăng trở lại từ tháng 4. LNTT của ngân hàng trong quý 1 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.
Theo giải thích của lãnh đạo VietinBank, việc lợi nhuận cải thiện dù dư nợ giảm là nhờ cơ cấu lại thị trường cho vay, tập trung vào phân khúc có NIM cao hơn, phân khúc bán lẻ, đồng thời tăng thu ngoài lãi,...
Techcombank
Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 18% so với cùng kỳ nhưng nhờ chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm mạnh 80% xuống còn 167 tỷ nên Techcombank vẫn có kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương. Techcombank ghi nhận LNTT đạt 2.617 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Việc sụt giảm lợi nhuận thuần đến từ việc hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư kém khả quan hơn. Ngoài ra, không còn khoản thu đột biến từ việc bán TechcomFinance như năm ngoái, thu nhập góp vốn mua cổ phần của Techcombank trong quý 1 gần như là không có (34 triệu đồng).
BIDV
Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo BIDV cung cấp thông tin, LNTT quý 1 hợp nhất của BIDV đạt 2.521 tỷ đồng, LNTT riêng lẻ đạt 2.262, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản ngân hàng đạt 1.343 nghìn tỉ đồng, tăng 2,2% so đầu năm. Tín dụng đạt 1.264 nghìn tỉ, tăng 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 4,1%. Nguồn vốn tăng 2,2% đạt 1.037 nghìn tỉ đồng.
MBBank
LNTT hợp nhất quý 1/2019 của ngân hàng đạt 2.424 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Riêng ngân hàng mẹ có lãi đạt 2.112 tỷ đồng. Hầu hết các mảng kinh doanh của MBBank đều có kết quả tích cực. Trong đó đáng chú ý nhất là hoạt động dịch vụ có lãi tăng đột biến (141%) đạt 759 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng đột biến ở mảng dịch vụ của MBBank là nhờ đóng góp từ mảng bảo hiểm. Lãi từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MBBank trong kỳ đạt 459 tỷ đồng, tăng tới 12 lần so với cùng kỳ năm trước.
VPBank
LNTT quý 1 của ngân hàng giảm 32% so cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.783 tỷ đồng. VPBank tiếp tục mạnh tay trích lập dự phòng, nâng lên 3.204 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng đang hao mòn đến 64% lợi nhuận ngân hàng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VPBank là điểm sáng lớn nhất trong quý đầu năm của nhà băng này khi tăng đến 45%, đạt gần 745 tỷ đồng.
ACB
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết trong 3 tháng đầu năm, tín dụng ngân hàng tăng 3% và huy động vốn tăng 2%. Lợi nhuận quý I của ACB đạt khoảng 1.670 tỷ đồng, hoàn thành được 28,7% kế hoạch năm.
Sacombank
Cho đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng lợi nhuận của Sacombank là cao nhất với 110%. Cụ thể, LNTT quý 1 đạt 1.061 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Hầu hết các mảng kinh doanh đều có kết quả tích cực, trong đó thu nhập lãi thuần tăng hơn 47%, kinh doanh ngoại hối lãi gấp đôi cũng kỳ, lãi từ hoạt động khác tăng đột biến 5 lần đạt hơn 300 tỷ. Cuối quý 1, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm xuống còn 2,14%.
TPBank
LNTT quý 1 của TPBank đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Trong đó, ngân hàng bội thu từ dịch vụ và chứng khoán, có lãi lần lượt 217 tỷ và 398 tỷ, tăng 189% và 128% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu nhập lãi thuần cũng tăng mạnh 38% đạt 1.284 tỷ.
Đáng lưu ý nhất trong hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm của ngân hàng này là tín dụng tăng tới 11%, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,7%; có nghĩa đã sắp cạn room tín dụng được giao (13%). Ông Nguyễn Hưng, TGĐ ngân hàng cho biết với việc đạt Basel II, ngân hàng kì vọng được NHNN thông qua mức tăng trưởng tín dụng 20%.
VIB
LNTT của VIB đạt 810 tỷ, tăng 56% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ dịch vụ và thu nhập lãi thuần.
Ngân hàng cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ hồi cuối tháng 3, theo đó thông qua mục tiêu lãi trước thuế 3.400 tỷ đồng trong năm nay, đồng thời dự kiến vốn điều lệ lên mức tối đa 10.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, đại hội chấp thuận phương án sử dụng hơn 7,7 triệu cổ phiếu quỹ trị giá 175 tỷ đồng để thưởng cho nhân viên.
SHB
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Văn Lê, TGĐ SHB cho biết hết quý 1/2019 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 744 tỷ đồng, cao hơn 48% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch kinh doanh năm 2019, SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 3.068 tỷ, tăng 47% so với năm 2018. Vốn điều lệ tăng 5.534 tỷ đồng lên 17.571 tỷ đồng.
OCB
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng của OCB đã tăng tới 8,7% lên mức 60.605 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 2% xuống 59.166 tỷ đồng. LNTT quý 1 của OCB đạt 536 tỷ, giảm 13,4% so với cùng kỳ.
Đa số các mảng kinh doanh đều có kết quả tích cực, giúp lợi tổng thu nhập tăng 14% đạt 1.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ của OCB tăng vọt tới 57,5% lên mức 627 tỷ đồng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm. Chi cho hoạt động quản lý công vụ của OCB tăng tới 65% so với cùng kỳ.
LienVietPostBank
BCTC của ngân hàng cho biết, quý 1/2019, LienVietPostBank lãi trước thuế 511 tỷ đồng, khá tương đương với mức đạt được cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 tăng 3,9% đạt 181.901 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,8%; trong khi đó huy động tiền gửi khách hàng tăng khá chậm với 0,7% đạt 125.843 tỷ đồng.
Eximbank
LNTT quý 1 của Eximbank giảm 37,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 350 tỷ. Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng không còn được ghi nhận khoản thu đột biến từ thoái vốn khỏi TCTD khác như cùng kỳ. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng sụt giảm mạnh, chỉ có lãi 23 tỷ, giảm 59,6%.Cuối tháng 3, tổng tài sản của Eximbank giảm nhẹ 1,3% so với đầu năm xuống mức 150.715 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống 99.944 tỷ. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8% đạt 122.019 tỷ.
SeABank
LNTT quý 1/2019 của ngân hàng đạt 169 tỷ đồng, tăng 55%. Động lực tăng trưởng đến từ tín dụng bởi đây là mảng đóng góp tới 93% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Cuối tháng 3, tổng tài sản của SeABank đạt 141.658 tỷ, dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,1%; tiền gửi của khách hàng tăng 3,5%. ĐHĐCĐ thường niên SeABank đã thông qua mục tiêu lãi trước thuế hơn 800 tỷ và muốn tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng.
VietBank, Kienlongbank, Saigonbank, VietCapital Bank, NCB
Kết quả kinh doanh quý 1 nhìn chung không mấy khả quan ở các ngân hàng nhỏ khi có 2 ngân hàng đạt lợi nhuận kém hơn so với cùng kỳ năm trước: Saigonbank giảm 39%, VietCapital Bank giảm 75%. Trong khi đó, Kienlongbank và NCB cũng chỉ đạt được mức tương đương cùng kỳ, lần lượt có lãi 74 tỷ và 13 tỷ.
Nguyên nhân mỗi ngân hàng mỗi vẻ, tuy nhiên nhìn chung hoạt động cốt lõi là tín dụng không có được sức tăng trưởng tốt để bù đắp tình hình kém khả quan ở các mảng kinh doanh khác. Như thu nhập lãi thuần ở Saigonbank chỉ tăng 0,8%, VietCapital Bank giảm 2,6%, còn NCB thậm chí giảm tới 22,7%. Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng của 3 ngân hàng này cũng khá thấp, thậm chí là tăng trưởng âm.
VietBank có kết quả tích cực hơn, có lãi trước thuế 100 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ tín dụng và lãi từ hoạt động khác.