Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực ngày 1-7-2018) tại hội nghị trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4-11.
Luật này được xây dựng dựa trên quan điểm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp, bảo đảm quyền được thông tin của công dân…
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thoa giới thiệu cơ bản luật này có quy định những thông tin mà công dân được tiếp cận, không được tiếp cận và có những thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện.
Theo đó, Luật Tiếp cận thông tin đã quy định rõ các thông tin mà cơ quan nhà nước phải công khai (khoản 1 Điều 17) để dân biết gồm có:
1. Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;
2. Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;
3. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;
4. Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;
5. Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước;
6. Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, các loại quỹ;
7. Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;
8. Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước,...
Vụ trưởng cũng phân tích khi cơ quan nhà nước chủ động công khai các thông tin sẽ giảm tải việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân. Chính vì vậy mà luật cũng quy định: ngoài danh sách các thông tin phải công khai nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ (khoản 2 Điều 17)…