Chiều 26/12, Phòng Thương mại và Công nghệ (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội thảo xây dựng thiết chế trong điều hành cấp địa phương - Công cụ hiệu quả để cải cách giai đoạn mới.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nêu ra những tác động thể chế đến sự phát triển kinh tế ĐBSCL.
Bên cạnh những thuận lợi là vùng có vị trí chiến lược tiếp giáp với TPHCM, chung biên giới với Campuchia và một phần lưu vực sông Mekong thuận lợi kết nối các trục thương mại trọng yếu; có đường bờ biển dài 700km, hệ sinh thái đa dạng; đóng góp 50% sản lượng lúa gạo, lương thực xuất khẩu chiếm 95%... thì ĐBSCL cũng còn nhiều thách thức lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Kim Hà).
Cụ thể, hoạt động kinh tế manh mún, chưa tích hợp được chuỗi giá trị, năng suất lao động thấp; GDP bình quân đầu người thấp (69% so với trung bình quốc gia năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo biến động liên tục; trình độ dân trí thấp; đầu tư công còn hạn chế, lạc hậu, kém thích ứng với biến đổi khí hậu, thiếu tính kết nối, tích hợp; xâm nhập mặn, sụt lún...
Ông Cung cho biết, thông điệp chủ chốt của báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 cần đảo ngược vòng xoáy “định mệnh” về nền kinh tế ở ĐBSCL. Phải phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống, sau đó đảo ngược thành vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.
Theo Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần ít nhất 4 quá trình chuyển đổi. Thứ nhất, chuyển từ đơn sản phẩm (chủ yếu là lúa gạo) sang đa sản phẩm gắn với đa dạng hoá thị trường. Thứ hai, chuyển từ sản xuất theo sản lượng, giá trị thấp sang sản xuất hàng hoá có giá trị tăng cao; từ “đơn giá trị” sang “đa giá trị” tăng thu nhập cho người dân. Tiếp theo là chuyển đổi cách thức tổ chức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại hoá; từ nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn, cơ khí hoá, công nghệ cao kết nối theo chuỗi giá trị và hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp nông thôn. Cuối cùng là chuyển đổi nghề nghiệp, sinh kế người dân nông thôn trong vùng từ canh tác nông nghiệp sang phi nông nghiệp...
An ninh lương thực và quy định liên quan là rào cản để chuyển từ sản xuất lương thực chủ yếu sang đa dạng hoá, thương mại hoá và tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Kim Hà).
Tuy nhiên, lại có nhiều thứ gây cản trở quá trình chuyển đổi đó. Ông Cung phân tích: “ An ninh lương thực và quy định liên quan là rào cản để chuyển từ sản xuất lương thực chủ yếu sang đa dạng hoá, thương mại hoá và tiêu thụ sản phẩm. Đã là trồng lúa thì không được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn; các chỉ tiêu, số liệu, kế hoạch chủ yếu thiên về lượng, mà ít hoặc thậm chí không chú ý đến giá trị/ha... Do đó, nông dân luôn có thu nhập thấp, không chuyển đổi sang lúa có giá trị tăng cao và đa dạng hoá cây trồng vật nuôi.
Cạnh đó, quy định và cách thức quản lý nhà nước quá cứng nhắc đối với mục đích sử dụng đất; hạn điền, hạn chế người được thuê, nhận chuyển nhượng làm cho giá trị đất nông nghiệp thấp, người dân thà để đất hoang chứ không cho thuê và rất ít người muốn bán. Thêm nữa, thị trường nông sản chủ yếu là thị trường sản phẩm thô, không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, quá trình chuyển đổi đầu tiên, thứ bậc thấp nhất, dễ nhất đã không thực hiện được đầy đủ, kéo dài nhiều năm chưa biết khi nào kết thúc”.