Chiều 5/7 tại trụ sở, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp .
Theo lãnh đạo Cục Điều Tiết điện lực, Bộ Công Thương với việc ban hành Nghị định, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện "trực tiếp" từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.
Riêng với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế là đơn vị phát điện từ điện gió hoặc điện mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Trong khi trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Nghị định 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ là một văn bản pháp luật, một cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá và bền vững đã được Chính phủ ban hành rất kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Nghị định sẽ góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững, tạo sự đột phá và thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam.
"Cơ chế DPPA được xây dựng và ban hành trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, các yêu cầu khắt khe hơn về chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn trung hòa các-bon, cùng với yêu cầu bắt buộc phải bảo vệ môi trường và phát triển bền vững", ông Diên nói.
Theo ông này, cơ chế DPPA có vai trò quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh của đất nước, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Như Dân Việt đưa tin, Nghị định số 80 của Chính phủ vừa ban hành cho phép dự án điện mặt trời mái nhà, điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN. Theo Nghị định, các dự án điện mặt trời mái nhà được mua bán trực tiếp qua hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới điện quốc gia (tức qua EVN).
Với phương án qua đường dây riêng, các dự án điện mặt trời mái nhà không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.
Đồng thời, dự án và khách hàng lớn sẽ ký hợp đồng mua bán với điều kiện, mức giá do hai bên thỏa thuận. Với phần điện dư thừa, bên phát điện có thể bán lại cho EVN qua hợp đồng mua bán, quy định về công suất, sản lượng, giá.
Với việc mua bán trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định yêu cầu việc bán điện của điện mặt trời mái nhà phải thực hiện qua thị trường điện giao ngay và mua bán qua tổng công ty điện lực.
Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay. Giá được xác định bằng tổng của giá điện năng, công suất thị trường trên thị trường bán buôn.
Ông Trần Vị Thành, Giám đốc Công ty TNHH Vinaconmex (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp đã lắp điện mặt trời mái nhà vài năm trở lại đây với quy mô lớn, thời cao điểm khi nắng to, hệ thống điện dư từ 15% đến 35% và không sử dụng hết. Với khoản dôi dư này, doanh nghiệp chưa có cơ chế để xử lý, làm lợi cho doanh nghiệp, cũng như không bán được cho khách hàng xung quanh.
Chính vì vậy, việc Chính phủ cho cơ chế bán điện dư thừa công suất giúp doanh nghiệp tiết kiệm được điện năng dư thừa và bán lại cho đối tác. Tuy nhiên, ông Thành mong muốn Nhà nước sớm có các quy định, công thức đo đếm để doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch với khách hàng, đối tác.
Theo PGS. TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội, chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời mái điện mái nhà có lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, vì đầu tư này là do tư nhân bỏ ra.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho nhược điểm của điện tái tạo (mặt trời mái nhà) có nhược điểm là độ ổn định thấp, chỉ cần một đám mây là xuất hiện hiện tượng sụt áp, mất sản lượng điện, trong khi chi phí đầu tư pin lưu trữ rất tốn kém.
Theo ông Bình, trước mắt Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp truyền tải điện lên lưới, sau đó thực hiện cơ chế Nhà nước, doanh nghiệp cùng xây dựng các trung tâm lưu trữ pin để phù hợp với quy hoạch, định hướng và không hao tổn chi phí xã hội.