Cùng với xu hướng rời xa toàn cầu hóa trong những năm gần đây - một xu hướng được thúc đẩy bởi sự ác cảm của chủ nghĩa dân túy đối với thương mại tự do và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - đại dịch Covid-19 đã làm cho việc chuyển hướng sang "hồi hương" các chuỗi cung ứng của những công ty trên toàn cầu càng diễn ra nhanh hơn, các nhà phân tích của BofA nói.
Tuy nhiên, với việc các thị trường mới nổi như Trung Quốc đã tự tạo cho mình một vị trí trụ cột trong chuỗi cung ứng toàn cầu, rõ ràng rằng việc rút lui khỏi các thị trường như vậy là một đề xuất tốn kém. Thật vậy, các nhà phân tích của BofA đã ước tính rằng nếu tất cả các công ty nước ngoài (nghĩa là không phải công ty Trung Quốc) mang những hoạt động sản xuất hiện tại của họ ở Trung Quốc về lại quốc gia mình thì sẽ mất khoảng 1 nghìn tỷ USD trong thời gian 5 năm. (Nếu xét theo bối cảnh rằng 500 công ty lớn nhất thế giới tạo ra doanh thu 33,3 nghìn tỷ USD và 2,1 nghìn tỷ USD lợi nhuận vào năm 2019)
Theo BofA, những khoản chi phí như vậy sẽ là "đáng kể, nhưng không cao đến mức khiến họ không thể làm được" đối với lợi nhuận của các công ty. Mặc dù biên dòng tiền tự do và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng sẽ có "nhiều tác động tích cực hơn đến nền kinh tế rộng lớn hơn" – trong đó có việc tạo ra những việc làm mới và mức lương cao hơn cho lao động trong nước, chi tiêu nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, doanh thu cao hơn cho ngành thuế và sự phát triển của các "cụm công nghiệp" mới bên trong các nước phát triển.
Các nhà phân tích lưu ý rằng con số 1 nghìn tỷ USD không bao gồm chi phí hoạt động cao hơn liên quan đến việc kinh doanh ở những thị trường phát triển hơn, điều mà "có thể đóng vai trò là một lực cản đối với lợi nhuận". Và các ngành có lợi nhuận cao hơn về mặt cơ cấu, như công nghệ và chăm sóc sức khỏe, sẽ có một khoảng thời gian dễ dàng hơn trong việc hấp thụ các khoản chi cần thiết so với những ngành có dòng tiền yếu hơn, có thể sẽ phải sử dụng đến các nguồn tài chính bên ngoài để cung cấp tiền cho việc tái cơ cấu của họ.
Tuy vậy, các công ty có thể sẽ trông cậy vào sự trợ giúp từ các nhà hoạch định chính sách - chẳng hạn như giảm thuế, trợ cấp, cho vay chi phí thấp - để bù đắp chi phí cao hơn liên quan đến việc đưa chuỗi cung ứng về lại quê hương nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước của họ.
Các nhà phân tích của BofA chủ yếu tập trung vào những công ty và quốc gia bên ngoài Trung Quốc, hơn là vào chính Trung Quốc. Nhưng họ cũng lưu ý rằng tác động lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể là đáng kể. Báo cáo của BofA ước tính xuất khẩu của các công ty nước ngoài hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và khoảng 7% GDP của quốc gia này. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những nỗ lực phối hợp nhằm tập trung nền kinh tế của mình ít hơn vào thương mại, nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ cho tiêu dùng nội địa.
BofA cũng xác định một lý do chính khác đằng sau xu hướng "nội địa hóa" chuỗi cung ứng này, đó là sự xuất hiện của "chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan", điều mà đã thúc đẩy các công ty trở nên có trách nhiệm hơn đối với nhu cầu không chỉ của cổ đông mà còn cả người tiêu dùng, nhân viên và các cơ quan quản lý. Các nhà phân tích lưu ý rằng 3/4 lĩnh vực công nghiệp ở Bắc Mỹ và châu Á Thái Bình Dương và 2/3 trong số đó ở châu Âu đang chuẩn bị cho "sự giám sát bổ sung xung quanh chuỗi cung ứng của họ từ các chính phủ, hội đồng quản trị công ty và cổ đông".
Điều đó đòi hỏi mọi thứ, từ việc các nhà đầu tư ngày càng chú trọng đến những tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị cho đến những cân nhắc về an ninh quốc gia đã diễn ra trong suốt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Mặc dù các bên liên quan khác nhau này đang tiếp cận vấn đề chuỗi cung ứng từ những quan điểm rất khác nhau, nhưng các nhà phân tích của BofA lưu ý rằng tất cả họ đều đi đến một kết luận giống nhau, đó là "các phần của chuỗi cung ứng nên chuyển địa điểm, tốt nhất là trong biên giới quốc gia và nếu không thành công thì sang những quốc gia được coi là đồng minh".
Họ nói thêm rằng đó là một sự thay đổi mang tính "kiến tạo" đang tăng tốc - một sự thay đổi thể hiện sự đảo ngược hoàn toàn hiện trạng trong những thập niên gần đây – điều mà những lĩnh vực khổng lồ của nền kinh tế toàn cầu sẽ phải tính đến trong những năm tới.