Tại tọa đàm chủ đề "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động vừa tổ chức chiều 6-2, câu chuyện gỡ rào cản, khơi thông vốn là những vấn đề "nóng" được các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đề cập. Các ý kiến cho rằng với mức lãi suất cho vay 15%-16%/năm trong bối cảnh lạm phát tăng, rất khó để DN sống được.
Chi phí tăng, "ăn mòn" lợi nhuận
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN dệt may cho biết từ cuối năm 2022, họ đã biết chắc sẽ thiếu đơn hàng trong quý đầu năm 2023. Ngay cả DN lớn như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng hụt khoảng 10% đơn hàng. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết đơn hàng sụt giảm chủ yếu do thị trường xuất khẩu dệt may lớn là Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát. "Hy vọng từ quý III/2023 trở đi, xuất khẩu dệt may sẽ phục hồi nhưng còn tùy thuộc diễn biến của suy thoái kinh tế, các chỉ số tài chính, lao động của Mỹ cải thiện đến đâu" - ông Tùng bày tỏ.
Theo ông Tùng, không chỉ ngành dệt may mà DN các lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn do doanh thu giảm nhưng chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tài chính, tăng. Hầu hết DN hoạt động bằng vốn vay, là USD hay VNĐ thì việc lãi suất tăng đều tác động tiêu cực, làm đội chi phí tài chính cho DN. Năm 2022, các DN vay USD bị ảnh hưởng kép do biến động tỉ giá lẫn lãi suất. Đến nay, tỉ giá hạ nhiệt nhưng lãi suất vay vẫn neo cao cộng thêm dự báo giá điện, chi phí đầu vào khác sẽ tăng chắc chắn "ăn" vào lợi nhuận của DN. "Công ty tôi đang vay 40 triệu USD vốn lưu động nên bị ảnh hưởng lớn. Dự báo khó khăn sẽ còn kéo dài nên rất mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ, kéo giảm lãi suất để DN dễ thở hơn" - ông Tùng nói thêm.
Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên (tỉnh Tây Ninh), cũng than thở ông đang đứng ngồi không yên vì 3 đơn hàng xuất rau củ, trái cây đông lạnh đi Nhật, Hàn Quốc và Malaysia ký từ đầu năm nhưng chưa thể triển khai vì thiếu vốn. Cụ thể, hiện công ty không đủ tiền để thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất theo tiến độ đơn hàng. Công ty đang tìm mọi cách xoay vốn và khả năng sẽ phải thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng. "Thông tin công bố cho thấy nhiều ngân hàng (NH) mở rộng gói vay tín dụng ưu đãi nhưng thực tế DN không tiếp cận được. Lãi suất vay hiện ở mức 14%-15%/năm chắc chắn khó cho DN nhưng càng khó hơn khi DN chấp nhận lãi suất cao mà vẫn không tiếp cận được vốn tín dụng, thậm chí phải xoay xở vay "nóng" bên ngoài" - ông Quý phản ánh.
Lãi suất vay neo cao, nguồn vốn tín dụng không dễ vay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
Lãi suất giảm, cầu đầu tư sẽ tăng
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết thời kỳ phát triển nóng kéo dài 10 năm của ngành điều đã qua. Năm 2022, giá trị xuất khẩu điều nhân và nhập khẩu điều thô đều giảm.
Năm 2023, dự báo ngành điều tiếp tục khó khăn khi khách hàng tại 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu không có nhu cầu đặt hàng trong quý I và II vì tồn kho còn nhiều. Lãi suất ở những thị trường này tăng nên các nhà nhập khẩu cũng không muốn "ôm" hàng mà đẩy tồn kho cho DN Việt Nam. DN điều còn đang chịu áp lực chi phí tài chính tăng gấp đôi năm ngoái. "Bất động sản thế chấp NH để vay vốn bị định giá chỉ bằng 50%-60% trước đây nên tiền được vay cũng ít đi, lãi suất vay USD từ 1,9%/năm lên 5%-6%/năm khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, giải pháp tạm thời của DN là… chờ! Chờ giá nguyên liệu xuống mức hợp lý, chờ đơn hàng có lãi mới sản xuất, không tranh mua nguyên liệu đẩy giá lên cao, không tồn kho thành phẩm để phải tranh bán kéo giá xuống. Các DN điều rất mong được NH ưu tiên "room" tín dụng và tiếp cận được gói hỗ trợ giảm lãi suất vay để hồi phục sản xuất - kinh doanh" - Phó Chủ tịch Vinacas kiến nghị.
Ghi nhận tại một số NH thương mại, lãi suất cho vay đối với sản xuất - kinh doanh thông thường hiện đã lên khoảng 13%-14%/năm, thậm chí một số DN vay mới chịu lãi suất cao hơn, tới 15%-16%/năm. Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có điều chỉnh giảm tại một số NH trong thời gian qua, dù mức độ giảm không đáng kể - chỉ khoảng 0,5 điểm %. Trong khi lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi - vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm.
Chia sẻ tại tọa đàm của Báo Người Lao Động vừa diễn ra, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận trong điều kiện lạm phát tăng, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa, nhất là lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay làm sao DN sống được? Khó khăn là vậy nhưng đang có những trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các NH thương mại không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới DN. Chưa hết, gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng quá nhiều khi các thị trường khác như trái phiếu DN, thị trường cổ phiếu chưa phát huy được vai trò huy động vốn cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), bày tỏ lo ngại nếu lãi suất cho vay trung - dài hạn trên 10%/năm thì DN "không có cửa" để đầu tư. Do đó, NH Nhà nước và cơ quan quản lý cần có giải pháp rõ ràng, làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống và nên có lộ trình cụ thể - trong vòng 6 tháng tới đưa lãi suất cho vay dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.
Dưới góc nhìn của NH thương mại, đại diện lãnh đạo NH Quân Đội (MB) cũng nhận định trong quý I, II/2023 kinh tế có thể khó khăn nhưng khi lãi suất có chiều hướng đi xuống thì cầu đầu tư sẽ tăng lên. Ở kịch bản tích cực, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt từ quý III năm nay. MB đang ấp ủ các chính sách giảm chi phí vốn cho DN, nhất là những tháng đầu năm, bằng cách giảm lãi suất cho DN siêu nhỏ và nhỏ. Chính sách này ưu tiên những DN tham gia sâu vào chuyển đổi số. "Năm 2023, thay vì đẩy lãi suất cho vay cao để tăng lợi nhuận, chúng tôi sẽ tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng. Điều này vẫn bảo đảm NH có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao" - đại diện lãnh đạo MB nói.
Hoãn mở rộng nhà xưởng vì thiếu vốn
Ông Đặng Ngọc Quý kể thời gian qua, công ty ông nhận được nhiều đề nghị đặt hàng của các đối tác ở châu Á, châu Âu nên có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, xây thêm xưởng khác để tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu đặt hàng nhưng hiện tại, tất cả đều phải tạm hoãn vì không có vốn. "Trước Tết, NH động viên chúng tôi tất toán hợp đồng vay, rút tài sản thế chấp về để làm hồ sơ tái vay vốn. Thế nhưng, khi hồ sơ tái vay được thẩm định xong, NH yêu cầu chờ rồi trả lời là không được duyệt. Không chỉ công ty tôi mà nhiều DN của bạn bè ở TP HCM lẫn các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ đều gặp tình huống tương tự. Nếu tình trạng "đói" vốn kiểu này kéo dài thêm vài tháng, sẽ có nhiều DN không cầm cự được" - ông Quý nói.