"Cò" đất tên Hùng từng xuất hiện trong bài viết 'Cò' đất Phú Quốc kể chuyện 3 tháng kiếm 9 tỷ đồng kể tiếp câu chuyện trở thành tỷ phú trong 3 tháng. Trong câu chuyện lần này, anh Hùng chia sẻ chuyện những môi giới đất ở Phú Quốc thành tỷ phú nhiều là có thật, “nhưng đừng nghĩ chỉ có hoa hồng, đau thương cũng nhan nhản”.
"Nếu may mắn thì làm 'cò' kiếm tiền tỷ chẳng khó gì"
Như tôi đã kể, tôi vào Phú Quốc với 130 triệu đồng trong tay. Đó là toàn bộ vốn liếng của gia đình. Vào đến nơi, tôi đầu tư một lô 400 trăm triệu đồng, đặt cọc 50 triệu. Được một tuần, trong lúc vợ ở ngoài Bắc đang xoay tiền gửi vào thì ở trong này tôi đã bán được 430 triệu, tức lãi được 30 triệu đồng. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, lô đất tăng giá đến 500, 600, rồi 700 triệu đồng, tôi không dám mua nữa.
Một thời gian sau đó, công ty mở thêm dự án ở đường Ba Trại. Tôi với người quen chung nhau mua một lô có giá 1 tỷ đồng, trong đó tôi góp hơn 30%. Trong Tết, lô này không bán được, ra tết thì bán được 1 tỷ 560 triệu đồng. Cứ như thế, tôi vay thêm một ít tiền nữa, rồi đặt cọc, đặt cọc nhiều lô liền. Có hôm tôi đặt đến 4 lô của một chú người Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chú này cho có 10 ngày làm công chứng, trong khi tôi mới chỉ bán được 2 lô, còn 2 lô vẫn chưa bán được.
Nếu không bán được, tức không trả được đủ tiền cho người ta thì mất tiền cọc. Mấy hôm đó tôi mất ăn mất ngủ. Nếu đợt đó thua thì chắc không dám làm nữa. Thế rồi đến ngày thứ 8 thì có người mua. Khách là nhân viên ngân hàng, tôi lãi được 130 triệu/lô, kể ra cũng may mắn.
Kể như thế để nói rằng làm “cò”, tôi cũng chẳng phải học gì, cũng không có kinh nghiệm gì, vào đó cứ như kiểu bị cuốn theo vòng cuốn vậy, có phần hên xui.
Những cuộc giao dịch hội được anh Hùng chia sẻ. Ảnh: NVCC.
Có 2 người phụ nữ, cũng là môi giới, nói thẳng ra là “cò” đất như chúng tôi đây, gặp tôi và ngồi nói chuyện chừng 20-30 phút thì đặt cọc 100 triệu đồng tiền mặt, chuyển khoản thêm 100 triệu đồng nữa. Mà bạn biết họ lấy gì làm tin không? Mấy dòng cam kết tôi viết bằng bút trên màn hình điện thoại, ký tên, rồi gửi cho họ. Lúc đó ở Phú Quốc, chủ yếu tin nhau để kiếm tiền.
Ở Phú Quốc thời điểm ấy, lô đất như bó rau, có lô đất qua tay mấy chục người, cứ mua đi bán lại như thế. Giao dịch thì diễn ra trong tích tắc.
Đất Phú Quốc mà tôi mua, rồi bán đều là đất đã có sổ đỏ. Nhưng cứ tưởng tượng đi, mua đi bán lại liên tục như thế thì làm sao kịp làm sổ đỏ cho chủ nhân mới. Thế nên chúng tôi cứ ra phòng công chứng làm ủy quyền cho nhau, ủy quyền 5 năm hay 7 năm hay 10 năm gì đấy. Một lô đất như vậy được ủy quyền 3 lần, hết 3 lần thì chuyển nhượng. Giả sử chưa hết 3 lần ủy quyền, đến lúc phải chuyển nhượng, đóng thuế phí giao dịch mà người chủ thứ 3 vẫn chưa bán được đất cho người khác thì chi ra dăm ba triệu đồng nhờ người ủy quyền đầu tiên ra phòng công chứng hủy hết quy trình ủy quyền. Cứ như thế, hoạt động mua đi bán lại được diễn ra.
Cơn sốt đất Phú Quốc kéo dài qua đợt Tết Nguyên đán năm 2018. Có những giao dịch diễn ra đến tận ngày 19 tết, rồi mồng 1, mồng 2 Tết đã lại có người mua, người bán thành công. Gần tết đất Phú Quốc không có “nghỉ” Tết.
Chúng tôi vừa làm môi giới, vừa mua đi bán lại. Môi giới thì thu về 3% cho mỗi giao dịch thành công, có lần môi giới cho một lô 24 tỷ đồng, tôi bỏ túi 800 triệu đồng. Đó là đợt thắng lớn nhất.
Có anh bạn tôi, cũng người Bắc, vào Phú Quốc với hai bàn tay trắng, đi làm thuê vì ở ngoài này bị xù nợ. Vào đó khoảng 4 tháng, anh này kiếm được 17 tỷ đồng, trong đó có một giao dịch bỏ túi 10 tỷ đồng.
Trong 3 tháng ở đó, tôi giao dịch thành công khoảng 20 lô đất, trung bình cứ 4 ngày bán được một lô
Cũng nhiều đau thương
“Cò” đất Phú Quốc đợt sốt đất năm ngoái nhiều vô kể. Có những “cò” thắng lớn hàng chục tỷ nhưng cũng có “cò” ôm cọc của khách rồi chạy mất, có những “cò” vốn đã là đại gia, ôm vào đó hàng trăm tỷ đồng rồi không kịp thoát, có những “cò” đi vay nặng lãi để đầu tư, giờ phải đi vay anh em tiền sống tạm qua ngày.
Lại có những chuyện đầu tư theo phong trào nữa. Có những người nghe tin Phú Quốc sốt đất, thế là từ xa bay vào, cứ gặp đất bán là mua, mua ồ ạt, mua theo phong trào rồi sau mới vỡ lẽ đất dính quy hoạch.
Có những người cố bán đất rừng, đất nông nghiệp rồi cố làm sổ, đến lúc thanh tra vào cuộc thì bị thu hồi, mất lớn. Hay lúc đó tại khu vực Cây Thông Ngoài, khu phân lô có tên Diamond đã bị phá bỏ hoàn toàn hạ tầng đường bê tông. Hay ở cảng Trần Phú, dự án làm cảng đã giải tỏa hết khu dân cư ở đó rồi, thế nhưng nhiều người không biết vẫn cứ lao vào mua, để rồi sau đó mất trắng.
Ở Phú Quốc giai đoạn sốt đất, “cò” chủ yếu là người nơi khác đến, người dân địa phương cũng có người bị cuốn theo đà. Có người thắng được mấy trăm triệu, cao hơn thì một vài tỷ, giờ bị cuốn vào cờ bạc, rượuc chè, người thua thì nợ nần rồi bỏ đi.
* Tên nhân vật đã được thay đổi