Lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết hiện nay, các mạng xã hội như Google, Facebook… đều đặt máy chủ ở nước ngoài. Các nhà mạng này luôn khuyến khích cá nhân đăng tải thông tin và nếu có lượt xem (view) cao sẽ được họ trả tiền. Song song đó, các nhà mạng này lồng ghép quảng cáo vào các bản tin để thu phí dịch vụ. Thế nhưng, thông qua việc phối hợp thông tin với một số ngân hàng (NH), cơ quan thuế chỉ biết được số tiền mà chủ mạng xã hội đã chi trả cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế tính thuế thu nhập đối với các đơn vị, cá nhân có thu nhập từ mạng xã hội. Còn các tổ chức, cá nhân Việt Nam thanh toán tiền quảng cáo cho chủ mạng xã hội là bao nhiêu và đã khấu trừ thuế nhà thầu hay chưa thì cơ quan thuế chưa xác minh được.
Một số cán bộ của Cục Thuế TP cho biết việc xác minh lý do dòng tiền ra vào của các nhà mạng xã hội là rất khó bởi thông tin tài khoản NH không thể hiện nội dung chuyển tiền. Từ đó, việc xác định thu nhập tính thuế đối với cá nhân, tổ chức có thu nhập từ các nhà mạng xã hội phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của người nộp thuế. Còn thu nhập của các nhà mạng xã hội thì không rõ ràng.
Đặc biệt, trong quá trình xác minh cá nhân, tổ chức có thu nhập từ Google, Facebook, cơ quan thuế đã yêu cầu khoảng 40 NH cung cấp thông tin. Thế nhưng, chỉ có 6 NH hợp tác thực hiện, còn những NH khác thiếu nhiệt tình. "Chính vì thế, đối với những NH có thực hiện thanh toán cho các tổ chức hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế TP kiến nghị Chính phủ có quy định bắt buộc các NH phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cũng như thực hiện việc khấu trừ nộp thuế theo quy định" - ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, nói.
Về nguyên tắc, Google và Facebook có thu nhập tại Việt Nam thì phải đặt máy chủ tại nước ta để cơ quan quản lý nhà nước giám sát dòng tiền ra vào, đồng thời hai nhà mạng xã hội này kê khai và tự nộp thuế. Thế nhưng tại thời điểm này, Google, Facebook đều lơ là với việc này.
Trong khi đó, thông tin trên các mạng xã hội do các DN trong nước tạo lập chưa đủ mạnh để thay thế Google, Facebook. Từ đó, nhà nước muốn chế tài các mạng xã hội nước ngoài bằng cách áp đặt thuế suất 4%/doanh thu như Chính phủ Pháp đang áp dụng hay hạn chế hoạt động của họ ở tại Việt Nam có thể làm giảm sút nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.
Thế nên, theo Cục Thuế TP, giải pháp ban đầu là Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Google, Facebook đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, rồi tự kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Còn việc họ kê khai chính xác hay không, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi và giám sát. Theo đó, nếu họ thực hiện nghĩa vụ thuế không đúng quy định thì Chính phủ có thể tính đến biện pháp chế tài mạnh tay hơn.