Theo dự thảo, kinh tế số là một thành phần không tách rời của nền kinh tế quốc dân, được hình thành dựa trên việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm tư liệu sản xuất chính, sử dụng môi trường số và nền tảng số làm không gian hoạt động chính.
Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hoá số.
Dự thảo nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%. Chiến lược xác định 9 nhóm mục tiêu, bao gồm:
1) Phát triển hạ tầng số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; tỉ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 100%.
2) Phát triển dữ liệu số: Cơ sở dữ liệu quốc gia về người dân, doanh nghiệp, đất đai đạt 100%; tỉ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 50%.
3) Phát triển danh tính số: Tỉ lệ dân số có danh tính số đạt 70%; mỗi danh tính số trung bình phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm.
4) Phát triển thanh toán số: Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%; tỉ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%; tỉ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt đạt 75%.
5) Phát triển kỹ năng số: Tỉ lệ công nhân tuyển dụng mới được đào tạo kỹ năng số đạt 70%; tỉ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%; tỉ lệ học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số đạt 100%.
6) Phát triển nhân lực số: Tỉ lệ học sinh phổ thông tiếp cận với STEM/STEAM đạt 70%; tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người; triển khai thí điểm 5 đại học số tại Việt Nam.
7) Phát triển doanh nghiệp số: Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 100.000 doanh nghiệp; tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%.
8) Phát triển môi trường số an toàn, lành mạnh: Tỉ lệ làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng đạt 100%; tỉ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt 80%.
9) Cải thiện xếp hạng quốc gia: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); Việt Nam thuộc nhóm 20 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, dự thảo đã xác định 2 nhóm nhiệm vụ lớn bao gồm nhóm nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số, xã hội số và nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số theo ngành, lĩnh vực.
Nhóm nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ chính: Phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, phát triển danh tính số, phát triển thanh toán số, phát triển kỹ năng số, phát triển nhân lực số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển môi trường số an toàn, lành mạnh.
Nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số theo ngành, lĩnh vực tập trung vào 5 lĩnh vực chủ đạo, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thương mại điện tử và Du lịch.
Dự thảo cũng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử với các nội hàm mới về phát triển và quản lý kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm để tăng hàm lượng kinh tế số của ngành, lĩnh vực; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; phát triển và triển khai giải pháp hợp nhất các kênh thanh toán điện tử mang lại tiện dụng cho người dân; phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử ở nông thôn có tiềm năng phát triển; triển khai thí điểm mô hình đại học số để nâng cao hiệu quả đào tạo cả về số lượng lẫn chất lượng…
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.