Trong những tháng còn lại của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…; cương quyết và triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách như đi công tác trong và ngoài nước, tiếp khách, chiêu đãi, sử dụng phương tiện công, tích cực rà soát và cương quyết cắt giảm các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư... để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất theo thẩm quyền việc giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công; nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội...
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, trong đó lưu ý bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới và việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương; làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại lớn ngoài nhà nước để chỉ đạo, yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành nghiệp vụ thị trường mở, cung ứng tiền... hiệu quả, linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.
Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng .
Đồng thời, triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng , hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Quyết tâm có giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5 – 6%.
Tính đến 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.569 nghìn tỷ đồng, với mức tăng này, vốn tín dụng ngân hàng "rót" vào nền kinh tế tương ứng khoảng gần 680 nghìn tỷ - 814 nghìn tỷ đồng, theo ước tính của Etime.
Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính
Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất Đề án 06 và công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 2024.
Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, găm hàng, thao túng giá và các hành vi vi phạm pháp luật.