Chiều 24/6 tại Hội trường, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) đang được Chính phủ xin ý kiến, thông qua. Theo đó, tại điểm B, Khoản 2 của dự thảo luật lần này đưa mặt hàng phân bón vào diện mặt hàng chịu thuế VAT 5% thay vì 0% như hiện tại.
Tại Hội trường, Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc thay đổi chính sách thuế đối với phân bón để tạo sự cạnh tranh đối với phân bón nhập khẩu và tăng thu cho ngân sách Nhà nước như Tờ trình của Chính phủ nêu ra để giải thích cho lý do đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% là "chưa thực sự thuyết phục".
Ông Tuấn cho rằng, có 3 lý do: Thuế VAT là thuế gián thu, người tiêu dùng phải trả thuế. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Luật được thông qua, người nông dân phải "gồng mình" nộp thuế thêm 5% cho số phân bón cần sử dụng.
Mặt khác, việc đưa mặt hàng phân bón không chịu thuế thuế sang đối tượng chịu thuế 5% ngay trong bối cảnh nền kinh tế mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, sẽ làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng nông nghiệp ngay trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, đối với hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp thuộc đối tượng đang được giảm thuế VAT thêm 2% theo chính sách hiện hành.
Ông Tuấn cho rằng, nông dân là đối tượng chịu thiệt hại nhưng chưa được quan sát, đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật này chỉ đề cập đến lợi ích của việc đánh thuế VAT với phân bón như: Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh với phân bón nước ngoài và Nhà nước có thêm nguồn thu.
Ông Tuấn cho rằng: "Đánh giá này chưa đầy đủ, chưa mang tính thuyết phục".
"Trong khi những lo lắng hiện hữu của người dân chưa được giải quyết thì chúng ta lại đề cập đến chuyện đánh thuế VAT vào phân bón. Điều này chắc chắn làm làm cho người nông dân đã lo lắng còn lo lắng nhiều hơn", ông Tuấn phân trần.
Vị đại biểu này kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có đánh giá kỹ tác động của việc chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT 5% ở cả hai góc độ là sự phát triển của ngành sản xuất kinh doanh phân bón, phục vụ phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần xem xét tác động của thuế VAT đối với phân bón lên thu nhập của người nông dân.
"Chúng ta không thể vì lợi ích của doanh nghiệp phân bón mà bỏ qua quyền lợi của người nông dân sử dụng phân bón", ông Tuấn thể hiện quan điểm và nhấn mạnh rằng, không thể chắc chắn áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp khấu trừ thuế VAT, giảm giá bán cho người nông dân.
Đại biểu Tuấn đề nghị, không áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón. Ông kiến nghị, phân hai loại phân bón là phân hóa học và phân bón hữu cơ, trong đó ưu đãi đặc biệt đối với phân bón hữu cơ, để định hướng sử dụng phân bón sang nông nghiệp hữu cơ theo đúng định hướng của Chính phủ, của thế giới.
Đại biểu Tô Ái Vang, (ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cũng có ý kiến về đề xuất đánh thuế VAT 5% đối với phân bón.
Bà Vang cho biết: Mỗi lần tiếp xúc đại biểu, cử tri cho biết chi phí đầu tư sản phẩm nông nghiệp tại mỗi kỳ sản xuất tăng cao, giá phân bón, giá vật tư đầu vào, giá nhân công, giá xăng dầu và giá nông sản luôn là vấn đề nóng. Do đó, khi Bộ Tài chính kiến nghị tăng thuế VAT đối với phân bón, bà Vang kiến nghị cần cân nhắc rất kỹ.
Bà phân tích, nếu Luật vẫn giữ thuế VAT 5%, nông dân sẽ bỏ ra 6.000 tỷ đồng, còn nếu Luật áp dụng 0% đối với phân bón, thì thay vì 2.000 tỷ đồng được bổ sung vào nguồn ngân sách thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và người nông dân. Như vậy, doanh nghiệp phân bón và người nông dân sẽ được hỗ trợ chi phí đầu vào.
"Sự lựa chọn cái được, cái mất thì Quốc hội nên chọn cái được cho nông dân. Thể hiện rõ chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn", bà Vang nhấn mạnh.
Bà Vang dẫn vấn đề: "Trong thư kêu gọi điền chủ, nông dân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Hình hài của đất nước Việt Nam, vóc dáng của dân tộc Việt Nam hôm nay là do nông dân tạc vào lịch sử. Truyền thống và văn hóa người Việt là do nông dân và các tầng lớp tinh hoa tao dựng".
Đồng thời, tại Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Vấn đề tam nông là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, nên bất kỳ chính sách, đường lối nào về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đều phải vì nông dân, từ người nông dân.
Bà Vang cho rằng, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép. Vì vậy, đại biểu nhận thấy, nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ việc đánh thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với phân bón.
Bà Hương cho rằng, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long luôn phải phấp phỏng nỗi lo thiên tai, dịch bệnh khi sản xuất nông nghiệp, nay lại lo trước giá phân bón có thể tăng cao, nếu phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng cao. Ý kiến cử tri cần hết sức cân nhắc trước tác động đánh thuế VAT đối với phân bón, thiết bị vật tư nông nghiệp.