Thời gian qua, thị trường bất động sản diễn ra tình trạng lệch pha cung - cầu nhà ở, nguồn cung nhà ở thiếu hụt trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền. Điều này khiến giá nhà đã tăng liên tục trong những năm qua với mức tăng trung bình là 10%/năm. Đáng chú ý, giá nhà ở chung cư tăng liên tiếp trong 20 quý và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc tăng giá nhà ở do doanh nghiệp chịu áp lực từ nhiều chi phí tăng cao như: chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công, tài chính và quản lý, tất cả đều tăng theo thời gian. Trong khi, giá nhà ở hiện đã vượt xa khả năng chi trả của đa số người dân. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế diễn ra nhanh chóng, làm tăng cầu nhà ở trong khi cung lại liên tục giảm và chưa có dấu hiệu tăng trở lại kể từ năm 2018, gây ra tình trạng lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Savills, dự kiến nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ chỉ đạt 86.700 căn, trong khi nhu cầu lên tới 157.000 căn. Do đó, với nhu cầu tăng nhanh, phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển song song với nhà ở xã hội, từ đó khiến phân khúc này phục hồi đầu tiên trong năm 2024. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp bất động sản biết nắm bắt thời điểm của thị trường.
Tuy nhiên, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cơ cấu nguồn cung đang ngày càng chuyển hướng về các sản phẩm cao cấp, có giá trị lớn, phục vụ mục đích đầu tư và đầu cơ. Sự chênh lệch này kéo dài, đẩy giá nhà ở lên cao, tạo ra một mặt bằng giá mới vượt xa khả năng chi trả của đa số dân cư. Điều này không chỉ làm cho những người có nhu cầu mua nhà để ở gặp khó khăn trong việc tiếp cận bất động sản với thu nhập của họ, mà còn làm giảm nhu cầu này. Đặc biệt, thế hệ trẻ, vì "không thể mua được nhà dù cố gắng", đang chuyển sang lối sống thuê nhà và ưu tiên trải nghiệm.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tỷ trọng nguồn cung căn hộ trong phân khúc bình dân (có giá dưới 25 triệu/m2) trên tổng nguồn cung nhà liên tục giảm, từ 30% vào năm 2019 xuống còn 7% vào năm 2022 và 6% vào năm 2023. Trong giai đoạn từ 2019 - 2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp (có giá từ 25-50 triệu/m2) cũng giảm từ 54%, 46%, 34% đến 27%, với nguồn cung chủ yếu đến từ các sản phẩm có giá 40 - 50 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS cho biết, cùng với nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ là xu hướng phát triển chính trên thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới. Đây là phân khúc phát triển từ nhu cầu và khả năng tài chính thực tế của đại đa số người dân.
Sau Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước hiện có 419 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 432.500 căn. Theo tổng hợp, báo cáo của các địa phương, cả nước đã quy hoạch 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm hơn 5.000 ha so với năm 2020. Các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô 47.532 căn hộ trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Đính nhận định, năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với thị trường bất động sản. Sự tham gia của các chủ đầu tư trong cuộc đua phát triển nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cũng sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách lệch pha cung - cầu.
"Thời gian tới, tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với trợ lực từ chính sách. Việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới với nhiều quy định mới gỡ khó cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này. Qua đó, tăng khả năng tiếp cận loại hình này cho người thu nhập thấp", ông Đính chia sẻ.
Một số chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần phải đưa ra một định nghĩa chính thức về khái niệm "nhà ở vừa túi tiền". Trong đó, nghiên cứu và thiết kế các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho nhà ở vừa túi tiền, với mục tiêu chính là khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào việc phát triển nguồn cung trong phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp.
Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore,... đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ cho người mua nhà và nhà đầu tư tham gia vào việc phát triển nhà ở có khả năng. Có thể kể đến việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân có thu nhập thấp khi mua nhà với giá trị thấp; hỗ trợ thông qua hệ thống tài chính bằng cách thành lập một quỹ hoặc ngân hàng do Chính phủ sở hữu cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp; giảm hoặc miễn thuế đối với các nhà đầu tư bất động sản phát triển nhà ở giá rẻ và người mua nhà trong phân khúc này. Ngoài ra, cần thiết lập chương trình khuyến khích tiết kiệm để thúc đẩy người dân tích lũy tiền mua nhà, việc xây dựng hệ thống tài chính nhà ở là ưu tiên hàng đầu để cung cấp nhà ở vừa túi tiền, nhà giá rẻ.