Mô hình làm việc kết hợp (hybrid work) đã trở thành cách làm việc phổ biến nhất hiện nay của nhân viên văn phòng và là một yếu then chốt trong việc giữ chân nhân tài. Báo cáo Workforce Preferences Barometer 2022 của JLL cho thấy rằng phần lớn nhân viên văn phòng đã chọn mô hình làm việc kết hợp là phong cách làm việc yêu thích của họ. Mô hình này đã và đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới văn phòng, đến mức nó đã trở thành một phần thói quen hằng ngày của những ai mong muốn áp dụng hình thức làm việc này.
Với sự phát triển nhanh chóng đó, người sử dụng lao động đóng vai trò chính yếu trong việc tạo điệu kiện thuận lợi cho sự phát triển của hybrid work. Ngày nay, người lao động đặt ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần về làm việc từ xa mà còn là sự hỗ trợ tại văn phòng, từ đó mở rộng hơn nữa phạm vi trách nhiệm truyền thống của người sử dụng lao động. Những yêu cầu có sự khác biệt lớn nhất giữa kỳ vọng và thực tế liên quan đến hỗ trợ làm việc từ xa là tài chính, thiết bị công nghệ và trang thiết bị văn phòng, trong đó hỗ trợ công nghệ là yếu tố được kỳ vọng cao nhất.
Theo đại diện JLL, mặc dù sự chuyển đổi hình thức làm việc đã giúp khơi lại sự nhiệt huyết của người lao động đối với công việc, hybrid work cũng có thể trở thành một thách thức đối với mối quan hệ của doanh nghiệp với nhân viên. Hiện nay, với chất lượng cuộc sống được xem như ưu tiên hàng đầu của người lao động, một trong những yếu tố chính có thể cải thiện đời sống nhân viên chính là sự linh hoạt trong công việc. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng, kỳ vọng về giờ làm việc linh hoạt đã vượt xa so với những giải pháp làm việc tại nhà, mang đến cho doanh nghiệp cơ hội nhìn nhận lại một trong những lỗ hổng lớn nhất trong vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống, từ đó thúc đẩy áp dụng thời gian làm việc 4 ngày/tuần.
Mặt khác, làm việc kết hợp cũng đã tạo cơ hội cho người sử dụng lao động thể hiện sự linh hoạt của mình thông qua sự hỗ trợ dựa trên hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi cá nhân. Cũng theo Barometer, JLL nhận thấy rằng những người ủng hộ phong cách làm việc này nhất là Người quản lý (75%), Thế hệ Z (73%), Thế hệ Y (67%) và Người chăm sóc (66%). Trong nhóm cuối cùng, các bậc cha mẹ đang đi làm có con nhỏ và những người chăm sóc thành viên khuyết tật trong gia đình là những người ủng hộ phong cách làm việc kết hợp nhiều nhất (tương ứng là 69% và 81%), cho thấy khả năng của phong cách làm việc này có thể giúp họ cân bằng các yêu cầu nghề nghiệp và cá nhân của họ.
Tương tự tại Việt Nam, mô hình hybrid work cũng dần trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là sau các đợt giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Ông Will Trần, Giám đốc toàn quốc - Đại diện người thuê, Tư vấn cho thuê văn phòng, JLL Việt Nam cho biết, các văn phòng làm việc kết hợp có thể dễ dàng được tìm thấy tại các thị trường khu vực và các công ty đa quốc gia đang tiến hành nghiên cứu xem liệu rằng hình thức làm việc kết hợp (Hybrid) có thể được áp dụng tốt tại Việt Nam hay không. Bên cạnh việc cân nhắc thấu đáo đến danh mục đầu tư văn phòng tại Việt Nam, điều quan trọng không kém là cần lưu ý đến khả năng chống chịu và khả năng phục hồi sau đại dịch, cũng như triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam để đưa ra quyết định về diện tích và chi phí bất động sản trong dài hạn.
Về năng suất, cảm giác làm việc hiệu quả hơn ở nhà đang không ngừng gia tăng ở những người làm việc ở xa. Mặc dù sự phát triển này có thể được coi là một tin tốt cho hiệu quả hoạt động của công ty, nhưng nó cũng gây ra rủi ro lâu dài về khả năng tạo ra giá trị xã hội và đoàn kết lực lượng lao động theo một tầm nhìn chung.
Bốn hồ sơ của nhân viên văn phòng (Nhân viên làm việc tại văn phòng, Nhân viên làm việc tại nhà, Nhân viên làm việc "kết hợp thường xuyên" và Nhân viên làm việc "Kết hợp thường xuyên hơn") cho thấy rằng, nếu sự linh hoạt ở nơi làm việc là chìa khóa để trao quyền, thì việc phải liên tục thích nghi với môi trường làm việc mới sẽ làm tăng đáng kể rủi ro về mặt tinh thần. Có 50% nhân viên cho biết họ đã bỏ lỡ các tương tác xã hội và cảm thấy rằng việc thuộc về một cộng đồng là quan trọng.