Đến nay, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 12 tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư với tổng chiều dài 743km, chiếm 40% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác.
Cụ thể, có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe, chiều dài 371km gồm: Cam Lộ - La Sơn dài 98km, La Sơn - Hòa Liên dài 66km, Yên Bái - Lào Cai dài 141km, Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km, Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40km.
Cùng đó, có 7 tuyến cao tốc 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, chiều dài 372km gồm: Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km, Mai Sơn - QL45 dài 63km, QL45 - Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, Nha Trang - Cam Lâm dài 49km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km, Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km.
Việc phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe phù hợp với nhu cầu vận tải của từng vùng, từng địa phương khi lưu lượng giao thông chưa lớn (lưu lượng khoảng 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm). Đặc biệt, việc phân kỳ đầu tư đem lại hiệu quả với các cao tốc kết nối với các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn, thời gian khai thác phân kỳ từ 6 - 10 năm.
Đối với những tuyến cao tốc 2 làn xe đã được đưa vào khai thác, dư luận đã đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn về tiêu chuẩn của những tuyến đường này.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Mục 3 Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 về đường cao tốc đã có các quy chuẩn về tốc độ để áp dụng phù hipwj cho từng tuyến cao tốc. Theo tốc độ tính toán, đường cao tốc được phân làm 4 cấp: Cấp 60 có tốc độ tính toán là 60 km/h; Cấp 80 có tốc độ tính toán là 80 km/h; Cấp 100 có tốc độ tính toán là 100 km/h; Cấp 120 có tốc độ tính toán là 120 km/h.
Trong đó, cấp 60 và 80 áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và ở những vùng có hạn chế khác; cấp 100 và 120 cho vùng đồng bằng. Theo quy định trên thì đường cao tốc được phân làm 4 cấp theo tốc độ tính toán, bao gồm: Cấp 60 - 80 - 100 – 120. Như vậy, có thể thấy những tuyến cao tốc 2 làn được chạy với vận tốc 60 – 80Km vẫn phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc.
Về thiết kế đường cao tốc, tại Mục 4 Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 đã có quy định chung với giai đoạn chuẩn bị đầu tư cần xác định sự cần thiết phải làm đường cao tốc; xác định các điểm khống chế để hình thành các phương án tuyến đường cao tốc; so sánh chọn phương án và đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính của phương án chọn trên cơ sở dự báo lưu lượng xe tính toán trên từng đoạn đường giữa các điểm khống chế.
Đáng chú ý, giai đoạn chuẩn bị đầu tư cũng xác định số làn xe (khi cần nhiều hơn hai làn cho một chiều) trên cơ sở tính toán năng lực thông hành.
Cùng với đó, đường cao tốc được thiết kế với thời gian tính toán dự báo giao thông là 20 năm kể từ năm đầu tiên và dự trữ đất dành cho việc mở rộng phần xe chạy, mở rộng phạm vi các nút giao nhau trong tương lai.
Do quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc lớn, nên trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án đường cao tốc các đơn vị đầu tư được xem xét đến các phương án phân kỳ đầu tư (kể cả phương án phân kỳ đầu tư tại các vị trí điểm ra, vào đường cao tốc)
Trong trường hợp xét đến các phương án phân kỳ đầu tư thì phải làm thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để đảm bảo lợi dụng được đầy đủ các phần công trình đã được phân kỳ làm trước, đồng thời đảm bảo thiết kế phân kỳ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau.
Trước những ý kiến về việc đầu tư cao tốc phần kỳ 2 làn xe không đảm bảo điều kiện, chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam giải thích, đường cao cao tốc là công trình có cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, an toàn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, thuận lợi kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển và sân bay.
Nói về việc đầu tư cao tốc có 2 làn xe, ông Thành cho biết, không chỉ có riêng Việt Nam đầu tư cao tốc phân kỳ giai đoạn đầu có 2 làn xe, trên thế giới cũng đã có nhiều nước đầu tư khai thác cao tốc 2 làn xe ở giai đoạn đầu khi tiềm lực kinh tế và nhu cầu chưa lớn.
Ông Thành lấy dẫn chứng, giai đoạn kinh tế đang phát triển, nguồn lực đầu tư hạn chế, một số quốc gia đã xây dựng và khai thác các tuyến cao tốc giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, châu Âu. Khi kinh tế phát triển mới nâng cấp lên 4 làn xe.
"Đầu tư các tuyến cao tốc có quy mô hoàn chỉnh, chi phí đầu tư lớn. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc phân kỳ đầu tư sẽ phù hợp nhu cầu trước mắt", ông Thành chia sẻ,
Theo ông Thành khi đầu tư cao tốc phân kỳ 2 làn xe, cơ quan quản lý đã tính toán kỹ làm sao để phù hợp với nguồn vốn hạn hẹp và khả năng cân đối vốn và sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cấp thiết của các địa phương. Vì vậy, việc phân kỳ đầu tư là cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp.