Theo báo cáo, tính đến thời điểm 30/6/2018, qua kiểm tra 45 khu vực phân lô, tách thửa trên diện tích 74,96ha, được tách thành 2.363 thửa, đã phát hiện 31 trường hợp vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích (làm đường bê tông trên đất nông nghiệp, gắn với việc phân lô tách thửa, chuyển nhượng đất nông nghiệp).
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tiến hành lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp nêu trên. Đến nay đã xử lý, khắc phục tháo dỡ đường bê tông trên đất nông nghiệp của ba trường hợp với diện tích 2.134m2. Các trường hợp còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định.
Về trật tự xây dựng, 209/715 công trình được kiểm tra vi phạm về các hành vi như: Xây dựng không phép, xây dựng sai phép , xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch… Hiện nay đã ban hành được 16 quyết định xử phạt với 22 công trình, khắc phục hậu quả tháo dỡ hai công trình…
Về vi phạm lấn chiếm đất công, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra thực trạng của 12 trường hợp lấn suối với diện tích 10.480,6m2. Đã tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp trên. Đồng thời, đã khắc phục hậu quả bằng cách tháo dỡ công trình, nạo vét đất, trả lại diện tích bị lấn chiếm của 4 trường hợp với diện tích 3.449,5m2. Các trường hợp còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục xử lý.
Về việc xử lý vi phạm về lấn, chiếm đất rừng và phá rừng, qua kiểm tra kết quả xử lý các trường hợp đã xử lý trước đây nhận thấy, đối với thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND huyện còn 6 trường hợp chưa chấp hành hình thức phạt chính bằng tiền là 78 triệu đồng và 23 vụ việc chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại diện tích đất rừng bị lấn chiếm 73.987,23m2 (thuộc khu vực đất rừng phòng hộ).
Đối với thẩm quyền xử phạt của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Quốc còn 7 vụ việc chưa chấp hành hình thức phạt chính bằng tiền 56 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả trả lại đất rừng lấn, chiếm diện tích 11.162m2 (thuộc khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc).
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra một số khu vực ranh giới của Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đã phát hiện một số trường hợp lấn, chiếm đất rừng bằng hình thức cắm trụ bê tông và hàng rào kẽm gai nhưng không phát hiện đối tượng. Đoàn kiểm tra đã phối hợp với chính quyền cấp xã để tháo dỡ, thu giữ 24 trụ bê tông và 340m kẽm gai, trả lại nguyên trạng đất rừng.
UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, đến nay có thể nói tình hình chuyển nhượng, mua bán đất đai về cơ bản đã ổn định. Các vi phạm về đất đai, xây dựng đã được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt là việc phân lô, tách thửa, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không còn tiếp diễn.
Tỉnh Kiên Giang cũng thông tin cho thấy thời gian 2 tháng gần đây, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn chiếm đất rừng, khuyến cáo người dân về các giao dịch đất đai bất hợp pháp. Nhưng việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng vẫn đang diễn ra và các giao dịch về quyền sử dụng đất tăng cao.
Thời gian qua, nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt đất là do thông tin giả. Với dự đoán về định hướng phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai, không ít người đưa ra thông tin giả như điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp sang thương mại dịch vụ tại một khu vực nào đó, đã đẩy giá đất nông nghiệp lên cao. Hay là thông tin mua đất Phú Quốc sẽ bán lại được ngay với giá cao hơn, tạo ra cơn sốt khan hiếm đất. Từ đó, cò đất lợi dụng đẩy giá lên cao.
Do vậy, Phú Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp "rắn" nhằm ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, đẩy giá đất, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô trái pháp luật.
Đặc biệt, tỉnh đã có quyết định đề nghị UBND huyện Phú Quốc cấm mọi giao dịch quyền sử dụng đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, hướng đến mục đích ngăn ngừa tình trạng mua bán "nóng" và thổi giá đất nền, phân lô tách thửa tràn lan... dẫn đến sốt đất ảo. Tiếp đó là, kiểm soát chặt chẽ, việc đầu tư xây dựng phải có đầy đủ các thủ tục và giấy phép quy định; nghiêm cấm mọi hiện tượng phân lô, bán nền trái quy định phát luật. Đặc biệt là trên đất nông nghiệp và đất rừng…
Chính vì vậy tình hình giao dịch đất đai trên địa bàn Phú Quốc đang thay đổi nhanh chóng, nhiều văn phòng môi giới không được cấp phép hoạt động đã đóng cửa. Hiện tại, đa phần người nhận chuyển nhượng đất tại Phú Quốc là người dân có hộ khẩu từ Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác. Đây là những giao dịch chính thức qua hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai. Còn lại, các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai trên đảo Phú Quốc không tiếp nhận và giải quyết tất cả hồ sơ chuyển nhượng đất không rõ nguồn gốc, đất không có quy hoạch...