Phân loại biệt thự cổ còn tùy hứng
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Tiến sĩ – Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc tại TP.HCM cho biết, khi xét duyệt biệt thự cần bảo tồn, phải xét duyệt theo cụm. Ví dụ, chọn một con đường, hay chọn địa bàn một quận rồi mới xét tổng thể cả khu vực. Sau đó chọn ra những trường hợp đặc biệt để dành thời gian nhiều hơn xét duyệt qua những vòng đánh giá.
“Tuy nhiên hiện nay, việc phân loại biệt thự cổ tại TP.HCM lại được xét duyệt một cách rải rác, nghĩa là chọn một cách tùy hứng, một con đường 1-2 căn, một khu vực 1-2 căn. Những căn biệt thự này không có sự liên kết, không liên quan gì với nhau. Cách xét duyệt bảo tồn biệt thự tại TP.HCM bây giờ rất không khoa học”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Được xếp vào nhóm 1 để bảo tồn, hiện tại biệt thự 115 Hai Bà Trưng, Quận 1 đang bị bao vây bởi hàng quán, chỉ thấy được tầng trên. (Ảnh: Hữu Huy)
Cũng theo KTS Nam Sơn, việc bảo tồn biệt thự cổ ở TP.HCM cũng chưa đi kèm một kế hoạch khả thi như bảo tồn phải đi kèm với quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác phân loại biệt thự tại TP.HCM cũng tồn tại nhiều bất cập.
“Ngay cả danh sách phân loại biệt thự mà đang nộp lên UBND TP.HCM, tôi có xem qua thì phát hiện nhiều công trình không đáng để phải bảo tồn nguyên trạng theo kiểu di tích (nhóm 1). Rất nhiều biệt thự trong danh sách nộp lên UBND TP thuộc vào loại có thể bảo tồn một phần (nhóm 2). Tôi thấy có sự tắc trách trong vấn đề này”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, thành phố cần xem lại cách bảo tồn biệt thự cổ. Cụ thể, phải phân loại tốt hơn, phải phân biệt rõ chỉ nên giữ lại những biệt thự nào có mặt độc đáo về mặt lịch sử, hoặc những biệt thự đại diện cho một phong cách kiến trúc, hoặc gắn liền một sự kiện lịch sử.
“Nếu giữ tất cả biệt thự cổ thì rất khó, khó cho cả dân, còn về phía nhà nước thì chưa có kinh phí để hỗ trợ bảo tồn”, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nói.
Căn biệt thự cổ ở địa chỉ 124 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh thời điểm bị tháo dỡ một phần vào năm 2018. (Ảnh tư liệu) |
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Hòa, nếu muốn công trình biệt thự cổ nào đó là di sản để bảo tồn thì phải đưa nó vào hoạt động thực tế, còn gọi là “di sản sống”.
“Bây giờ đưa ra quy định, căn biệt thự cổ không được sửa chữa, phải giữ nguyên trạng để bảo tồn nhưng cũng chẳng biết làm sao để sinh ra lợi ích kinh tế để “nuôi” cái di sản đó. Cho nên rất khó khăn cho người dân. Tôi thấy chúng ta cần học tập kinh nghiệm ở Hội An. Ở đó, họ kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm. Đó là cả sự đầu tư, còn phần mình (TP.HCM) thì chỉ đưa ra một danh sách rồi không cho dân được cải tạo, sửa chữa, xây mới, cũng không khai thác, rất không hữu ích, trên thế giới người ta không làm như thế”, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nêu quan điểm.
Bảo tồn vẫn có thể mang đến lợi ích kinh tế
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay việc bảo tồn biệt thự cổ vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý. Cụ thể, hiện tại việc bảo tồn biệt thự cổ dựa trên Luật Di sản Văn hóa. “Luật này quy định bảo tồn di sản theo dạng di tích nhiều hơn, tức là chủ yếu đưa vào bảo tồn nguyên trạng mà quên rằng chuyện bảo tồn biệt thự cổ sẽ có những đặc thù riêng. Nếu bảo tồn 1.000 căn biệt thự cổ thì chắc chỉ có vài chục căn thuộc loại di tích thôi và đa số phần còn lại thuộc loại bảo tồn nhưng có phép cải tạo một phần (nhóm 2)”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu thực tế.
Theo ông Sơn, yêu cầu bảo tồn phải đi kèm với những hướng dẫn để cho chủ sở hữu biệt thự cổ chỉnh trang, cải tạo, hoặc mở rộng nhưng phải phù hợp với di sản đó. Điều này ở nước ngoài làm rất rõ. Họ bảo tồn một ngôi nhà, họ yêu cầu bảo tồn nhà phía trước, những nhà phía sau có thể xây dựng cao lên, có thể mở rộng lên, nhưng phong cách, màu sắc, vật liệu phải theo một quy chuẩn nào đó. Ở nước ngoài họ có hướng dẫn đầy đủ và khoa học hơn.
Căn biệt thự 89 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh được đề xuất xếp nhóm 1 để bảo tồn. Hiện tại xung quanh căn biệt thự này cỏ cây mọc um tùm, không có người sống bên trong. Ảnh: Hữu Huy |
“Ở nước ta vừa thiếu pháp lý, vừa thiếu những hướng dẫn khoa học như vậy. Cho tới bây giờ tôi chưa biết một cái hồ sơ bảo tồn nào mà đưa ra những hướng dẫn rõ ràng như cách làm ở nước ngoài”, ông Sơn cho hay.
Nhìn nhận thực tế hiện nay, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc bảo tồn hiện nay nhiều người hướng đến giá trị văn hóa nhưng cũng phải nghĩ đến giá trị kinh tế xã hội. Tức phải nghĩ cho người chủ sở hữu, công trình này phải đem lại lợi ích cho chủ sở hữu và giúp ích cho cộng đồng, để được như vậy sẽ phải có những chính sách trong tương lai hỗ trợ.
“Bên cạnh đó, phải có những quy hoạch để tăng giá trị cho khu vực. Có nghĩa khu vực bảo tồn không xây dựng cao tầng, nhưng ta có thể tổ chức nơi đây thành một khu vực trọng điểm về văn hóa, thì giá trị công trình sẽ tự nhiên tăng theo. Không nhất thiết là phải xây dựng cao tầng nó mới tăng giá trị, cái này là cái điều mà người quản lý cần lưu tâm”, KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý.