Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã triển khai phân bổ và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đạt 1.642.828,563 tỷ đồng, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định.
Thực tế, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng. Nhưng theo quy định phải trích 10% dự phòng chung theo từng nguồn vốn. Do đó, tổng số vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 được phép phân bổ tối đa là 1,8 triệu tỷ đồng.
Theo Bộ KHĐT, kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước. Trên cơ sở biết rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trung hạn, các bộ, ngành và địa phương hoàn toàn chủ động trong công việc phân bổ, bố trí vốn cho các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo hiệu quả nhất. Đặc biệt, việc thực hiện kế hoạch cũng góp phân khắc phục cơ bản tình trạng bị động, cắt khúc trong đầu tư, mất cân đối trong bố trí vốn ngân sách.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch cũng giúp việc bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 được tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Trong đó, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa, quy mô từ nhóm B trở lên. Các dự án quy mô nhỏ bố trí từ nguồn cân đối ngân sách địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sau năm 2020 sẽ cơ bản không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014 cũng được thanh toán dứt điểm khi thực hiện triển khai bố trí kế hoạch trung hạn. Cùng với việc ban hành Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, khuôn khổ pháp lý quy định về nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước dự toán chi đầu tư xây dưng cơ bản đã chặt chẽ hơn. Nhờ đó, sau năm 2020 sẽ cơ bản không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, việc ứng trước dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư. Bộ KHĐT thừa nhận, nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án đến hạn phải trả cho các đầu tư chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do không có nguồn vốn bố trí. Kéo theo đó là tình trạng mất cân đối giữa ngân sách trung ương và ngân sách đia phương ngày càng tăng, không bảo đảm mục tiêu ngân sách trung ương đóng vai trò chủ đạo, theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, việc chấp hành các quy định pháp lý, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn kế hoạch chưa nghiêm túc. Một số bộ, ngành, địa phương còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dựa án đưa vào danh mục. Việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục còn chậm trễ, gây khó khăn cho tổng hợp kế hoạch. Số vốn chưa được phân bổ, hoặc đã có dự kiến phân bổ nhưng chưa giao được kế hoạch còn lớn.
Bộ KHĐT kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai, rà soát. Báo cáo Tổng thể Kế hoạch đầutư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ được trình lên Thủ tướng. Đồng thời, Bộ KHĐT muốn tổ chức hội nghị toàn quốc về đầu tư công nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và thu thập ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.