Nhìn lại ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường bất động sản Việt Nam gần 2 năm qua, những thiệt hại là điều có thể thấy rõ ràng thông qua con số về lượng doanh nghiệp phá sản, môi giới thất nghiệp và sự giảm sút trầm trọng của nguồn cung và lượng giao dịch. Biến thể Delta đã làm bùng lên đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam và cũng là đợt tác động mạnh nhất đến thị trường bất động sản.
Kể từ tháng 10, khi chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng cộng với sự phổ cập nhanh chóng của vaccine, thị trường mới bắt đầu dần phục hồi. Nhưng đến nay, khi biến thể Omicron xuất hiện và đẩy nhanh xu hướng dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới trở nên phức tạp và trầm trọng thì tâm lý lo ngại của nhà đầu tư là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhà đầu tư chuyển nhượng sổ đỏ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4.
Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm liên quan chủng mới Omicron song đầu tháng 12, thị trường chứng khoán đã có phản ứng gay gắt khi giảm điểm sâu với hàng loạt cổ phiếu bán tháo. Tác động của chủng mới Omcron đến thị trường bất động sản là điều hoàn toàn sẽ xảy ra, tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư sẽ như thế nào?
Trao đổi với PV, ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư sẽ không còn nhiều lo ngại. Ông Thắng phân tích, hiện tại người dân đã chấp nhận với cuộc sống "bình thường mới" tức là sống chung với Covid-19. Mỗi ngày Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10000 ca nhiễm. Tuy nhiên tâm lý đã được tiêm phòng ít nhất 1 mũi cũng làm cho người dân thoải mái và tin tưởng hơn khi giao tiếp.
Chính vì thế mà dù là biến thể mới hay cũ cũng chưa ảnh hưởng tới tâm lý xuống tiền đầu tư. Những thông tin về biến thể mới có thể sẽ ảnh hưởng tới một số ngành sản xuất khi quốc gia tiến hành việc đóng cửa. Nhưng với nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm tới đâu là sản phẩm tốt và tiêu chí như thế nào phù hợp để sẵn sàng xuống tiền.
Trong khi đó, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn từ sự xuất hiện của biến thể Omicron. Do thị trường đã trải qua và có nhiều kinh nghiệm chống đỡ với các đợt dịch trước. Mọi thứ đặc biệt nền kinh tế cũng đã có sự chuẩn bị tốt hơn. Thị trường sẽ không còn tình trạng "ngủ đông" khi dịch lây lan diện rộng và sau đó là tăng vọt khi dịch bệnh được kiểm soát. Thị trường sẽ đi theo xu hướng tăng chậm và ổn định. Còn tâm lý của nhà đầu tư sẽ không còn đề phòng và phòng thủ như trong các đợt dịch khác.
Là nhà đầu tư với kinh nghiệm hơn 10 năm trên thị trường, ở góc độ thận trọng hơn, ông Nguyễn Nhật (Hà Nội) lại cho rằng, tác động của dịch bệnh là điều khó có thể dự báo trước. Dĩ nhiên, ở thời điểm này, tâm lý nhà đầu tư lạc quan nhưng khi dịch bệnh bùng phát với diễn biến khó lường sẽ kéo theo sự phòng thủ, cẩn trọng.
Ông Nhật nhận định, nếu như dịch bệnh tại Việt Nam có nguy cơ bùng phát với biến thể Omicron, một số doanh nghiệp gặp khó khăn thì cũng sẽ có nhiều người dân chịu áp lực về thu nhập. Họ không thể đủ lực thanh toán khoản tiền vay nợ mua nhà. Nguy cơ lạm phát cao càng dễ dàng xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế trong đó có ngành bất động sản. Chi tiêu của hộ gia đình sẽ phát sinh. Việc gồng lãi vay ngân hàng sẽ trở nên rất khó khăn.
Trong khi đó, nhà đầu tư sẽ rất cẩn trọng khi vay ngân hàng mua đất vì lãi suất ngân hàng tăng, khả năng thanh khoản sản phẩm sẽ chậm do ảnh hưởng của dịch.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, xu hướng "bỏ phố về rừng" sẽ tiếp tục gia tăng. Tâm lý mua căn nhà vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng cao. Bởi thực tế chứng minh, trong đợt dịch trước, lượng dân nội thành đổ ra vùng ven Hà Nội, hay TP.HCM rất lớn. Giá bất động sản đặc biệt phân khúc thấp tầng ở ngoại ô tăng trưởng mạnh nhưng tỷ lệ thanh khoản lớn.