Như Báo Người Tiêu Dùng đã thông tin, gần đây, một trang facebook có tên gọi Nano Vàng (Gold Nanoparticles-GNPs) được lập ra nhằm quảng bá và tuyên truyền: “Hạt nano vàng có thể giúp chữa khỏi bệnh ung thư”. Theo người thành lập fanpage này, khi một số lượng lớn nano vàng nguyên chất được đưa vào cơ thể thông qua đường uống sẽ có thể vượt qua rào cản của hệ tiêu hóa, đi vào máu và tìm đến những tế bào ung thư. Nano vàng sẽ được kích hoạt dưới tác động của việc “chiếu chụp” và tiêu diệt tế bào ung thư hoàn toàn.
Đây là một phương pháp chữa ung thư được tác giả giải thích dựa vào nhiều “bài báo nghiên cứu chuyên ngành” nhưng đồng thời cũng được đúc kết từ “kinh nghiệm cộng đồng”, “tự kiểm nghiệm, tự đánh giá khả thi”. “Tác giả” kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ của gần 2,700 thành viên của trang facebook này để giúp Việt Nam tiên phong trong nghiên cứu, áp dụng nano vàng trong điều trị ung thư.
Đây có thể coi là một hoạt động đáng được tôn vinh và nhân rộng bởi nó mang lại hy vọng cho những người mang trên mình căn bệnh được ví như bản án tử. Thế nhưng, người quản trị fanpage này (tự xưng là TS. Doãn Hà Thắng - đang làm việc tại Bộ Khoa học - Công nghệ) lại lợi dụng lòng tin của người bệnh, thông qua fanpage này để công khai rao bán nano vàng. Việc làm này đang bị lên án bởi nhiều người có người thân từng là nạn nhân của nano vàng.
TS. Hiếu Vũ (chuyên gia nghiên cứu về các hạt nano, từng làm việc tại Trường Đại học Arhus, iNANO, Đan Mạch) phân tích: “Hai phương thức phổ biến để đưa nano vàng vào cơ thể là uống và tiêm vào tĩnh mạch. Tuy nhiên hiệu quả hấp thu nano vàng bằng cách uống thông qua đường ruột là tốt nhất. Cho nên nói việc chữa ung thư bằng cách uống nano vàng chưa hẳn đã có tác dụng. Hơn nữa, về mặt lý thuyết vàng nguyên chất có tính trơ, trong trường hợp nano vàng giữ lại trong cơ thể rất khó bị đào thải ra ngoài. Nếu người bệnh uống nano vàng với khối lượng lớn trong thới gian ngắn sẽ bị nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường ruột, tắc ruột hoặc ngộ độc.
Trong trường hợp nano vàng được biến đổi để đưa vào cơ thể thông qua truyền bằng đường tĩnh mạch, nó vẫn còn tiềm tàng nguy cơ gây đông máu hoặc tan máu do sự tương tác giữa chất phủ lên bề mặt nano vàng và các protein trong máu."
Lời trần tình của người tự nhận là TS. Doãn Hà Thắng trước phản hồi của bệnh nhân sử dụng nano vàng. |
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Viết Giao (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay: “Trường hợp này, các cá nhân và tập thể có liên quan đã vi phạm các quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quy định của Thông tư 09 năm 2015 của Bộ Y tế. Trong thông tư quy định rõ về việc cấm trong quảng cáo liên quan đến thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý: Quảng cáo khi chưa có giấy phép; quảng cáo thực phẩm có công năng như thuốc chữa bệnh”.
Theo luật sư Giao, rõ ràng các cá nhân và tập thể rao bán nano vàng đang cố tình gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Chưa kể, bản thân nhà nghiên cứu khoa học, chỉ có chức năng nghiên cứu chứ không có chức năng chữa bệnh, càng không có chức năng bán sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh.
“Việc quảng cáo sản phẩm có công năng như thuốc chữa bệnh, nhưng khi người tiêu dùng (người bệnh) sử dụng không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi, tiền mất nhưng bệnh không hết khi đó họ sẽ cảm thấy mình bị tổn thương và bị lừa dối” - luật sư Giao nhận định.
Có thể thấy việc ứng dụng nano vàng trong điều trị ung thư là một bước đột phá trong ngành y tế. Nhưng khi thế giới đang nghiên cứu và chưa có biện pháp khắc chế các nhân tố “chết người” tiềm ẩn trong hạt nano vàng thì ở Việt Nam đã có cá nhân, tổ chức công khai rao bán nano vàng như một loại “thần dược”. Đây có thể nói là hành vi coi thường sinh mạng người khác, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật hiện hành, cần phải nghiêm trị!
Văn Nguyễn - Việt Phi