BBC đưa tin khoảng 5.000 người tập trung biểu tình tại đại lộ Champs-Elysées, thủ đô Paris, vào hôm 8-12 và ít nhất 575 người đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tính riêng Paris, khoảng 8.000 cảnh sát và 12 phương tiện bọc thép được triển khai. Gần 90.000 cảnh sát được triển khai trên toàn nước Pháp để trấn áp đám đông biểu tình quá khích, tăng mạnh so với con số 65.000 vào cuối tuần trước.
Hôm 8-12, có khoảng 10.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp. Ảnh: Reuters
Phong trào "áo gi-lê vàng" nổ ra vào 4 tuần trước với mục đích phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu nhưng theo các bộ trưởng Pháp, phong trào này đã bị những kẻ biểu tình bạo lực thâu tóm. Đây là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Pháp.
Khoảng 89.000 cảnh sát được triển khai vào hôm 8-12 để trấn áp những người biểu tình quá khích. Ảnh: Reuters
Theo BBC, cảnh sát Paris hôm 8-12 sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để đối phó với đám đông biểu tình. Họ linh hoạt hơn và triển khai các đội nhỏ để bắt giữ những phần tử kích động, gây rối.
Giới chức cho biết tính riêng hôm 8-12, họ đã bắt giữ gần 700 đối tượng trên toàn quốc và nhiều người trong số này mang theo vũ khí.
Riêng bạo lực ở Paris khiến 30 người bị thương, trong đó có 3 cảnh sát.
Hôm 8-12, cảnh sát bắt giữ gần 500 người biểu tình, trong đó có ít nhất 211 người bị bắt tại Paris. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định số người bị bắt giữ hôm 8-12 nhiều hơn số người bị bắt giữ vào 2 ngày cuối tuần trước.
Trong khi đó, ở ngoại ô Paris, những người biểu tình phong tỏa Porte Maillot – một trong những tuyến đường chính đi vào thủ đô. Đường vành đai Boulevard Périphérique cũng bị đám đông biểu tình chặn, làm tắc nghẽn giao thông trước khi cảnh sát đến vãn hồi an ninh.
Chính phủ Pháp đã nhượng bộ và bỏ chính sách tăng thuế môi trường nhưng vẫn không làm hài lòng những người biểu tình. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner tuyên bố "không tha thứ" cho hành vi bạo loạn. Ông Castaner ước tính có 10.000 người tham gia biểu tình hôm 8-12, ít hơn so với tuần trước.
Sức ép gia tăng buộc chính phủ Pháp hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, đám đông biểu tình vẫn chưa hài lòng vì họ còn bất mãn với hàng loạt vấn đề khác từ tiền lương, thuế, chế độ hưu trí…đến giáo dục. Thậm chí, không ít người yêu cầu ông Emmanuel Macron, người mà họ mô tả là "tổng thống của người giàu", từ chức.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner tuyên bố "không tha thứ" cho hành vi bạo loạn. Ảnh: Reuters
Đám đông biểu tình thiết lập rào chắn trong lúc đụng độ với cảnh sát ở Paris. Ảnh: Reuters
Cảnh sát dùng khí cay đối phó với người biểu tình ở Paris hôm 8-12. Ảnh: AP
Những người biểu tình ném bom khói đáp trả cảnh sát. Ảnh: AP