Nước Pháp đang trải qua đợt sóng nhiệt dữ dội đẩy nhiệt độ lên kỷ lục ngày 28/6, nằm trong đợt nắng nóng cực độ đang bao chùm nhiều nơi tại châu Âu, theo CNN.
Nhiệt độ cao nhất đo được vào lúc gần 17h (giờ địa phương) ngày 28/6 tại Villevieille, tỉnh Gard, thuộc vùng Occitanie, miền Nam nước Pháp lên tới 45,9 độ C, vượt qua mức kỷ lục 44,1 độ C trong đợt sóng nhiệt dữ dội khiến 14.000 người chết vào năm 2003 tại nước này.
Hầu hết các vùng của Pháp đều đang trong tình trạng báo động cam - mức cao thứ 2 trong bảng cảnh báo thời tiết của Cơ quan Khí tượng thủy văn Pháp Meteo-France. 4 khu vực ở miền Nam nước Pháp được đặt báo động đỏ - mức cao nhất vào ngày 28/6.
Khoảng 4.000 trường học tại Pháp đã phải đóng cửa vào ngày 28/6 và giờ mở cửa tại các công viên, hồ bơi công cộng được kéo dài so với thường nhật. Các phòng mát cũng được mở cửa tại một số toà nhà và vòi phun nước công cộng được lắp đặt trên nhiều tuyến phố ở Paris.
Theo nhà phân tích Gautier Maupu của hãng nghiên cứu thị trường nông nghiệp Agritel, đợt sóng nhiệt này có thể khiến Pháp mất 10% sản lượng lúa mỳ. Theo ông, nếu đợt sóng nhiệt kéo dài hơn 10 ngày, thiệt hại đối với sản xuất lúa mỳ sẽ còn lớn hơn nữa.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hoà Séc cũng chạm mức nhiệt độ kỷ lục vào hôm thứ Tư (26/6).
"Sóng nhiệt thường ảnh hưởng tới việc sản xuất các cây trồng chủ lực như lúa mì, ngũ cốc và ngô, và nếu đợt sóng nhiệt hiện tại ở Pháp và Tây Ban Nha kéo dài sẽ gây thiệt hại tới 5 - 10 tỷ Euro (5,69 - 11,39 tỷ USD)", Fredrik Erixon, giám đốc Trung Tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu (ECIPE), cho biết.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 26/6 phát biểu rằng sóng nhiệt là bằng chứng của biến đổi khí hậu. "Sự bất thường đang trở thành bình thường", ông Philippe nói với các nhà làm luật Pháp, đồng thời hứa sẽ thực hiện các biện pháp để ứng phó với sóng nhiệt nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung.
Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo các đợt sóng nhiệt như thế này sẽ thường xuyên xảy ra hơn và ngày càng dữ dội hơn do biến đổi khí hậu. Météo-France trước đó dự báo các đợt sóng nhiệt tương tự sẽ xảy ra nhiều gấp đôi vào năm 2050.