Lúc có lúc không
Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, tính đến cuối ngày 18/10, tỉnh có 66 cửa hàng xăng dầu thông báo hết xăng, dầu. Trong đó, có 56 cửa hàng hết xăng còn dầu và 10 cửa hàng hết cả xăng lẫn dầu. Những ngày qua, cửa hàng xăng dầu đã nhập hàng về và mở bán trở lại, không còn tình trạng quá tải người mua. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng xăng dầu, số lượng nhập hàng về vẫn còn hạn chế nên vẫn còn giới hạn lượng bán ra cho khách hàng từ 40.000 - 50.000 đồng/lần đối với xe máy và từ 300.000 - 500.000 đồng/lần đối với ô tô.
Người bán xăng lẻ xuất hiện trên đường phố Biên Hòa (Ðồng Nai). Ảnh chụp ngày 19/10 trên đường Ðồng Khởi, TP Biên Hòa. Ảnh: Mạnh Thắng
Theo ghi nhận của phóng viên, vì xăng dầu vẫn chưa thật đầy đủ và mua bán dễ dàng nên đã xuất hiện những "cây xăng" trữ vào bình, can nhựa rồi đem ra lề đường bán lẻ để hưởng chênh lệch giá.
Chiều ngày 20/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Thái, Phó Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai cho hay, thị trường xăng dầu trên địa bàn đã ổn định hơn, dù vẫn còn tình trạng một số cửa hàng hết xăng, dầu. "Các đầu mối, các đại lý cũng đang cân đối, cố gắng tranh thủ lấy nguồn, cố gắng đảm bảo duy trì hoạt động nhưng mà nguồn cung vẫn còn khó khăn", ông Thái nói.
Theo phản ánh của người dân ở huyện Châu Đức, TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), từ ngày 18/10, tình trạng treo biển "hết xăng" tái diễn ở một số cây xăng. Đại diện Công ty TNHH Bình Giã, đơn vị bán lẻ xăng dầu tại địa bàn này cho biết, vì cửa hàng không đủ xăng dầu nên phải treo biển "hết xăng". Trong khi nguồn cung từ đơn vị phân phối không đủ, số lượng người dân đổ xăng rất nhiều. Ngày 18/10, trạm xăng ở xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) nhập 2.000 lít nhưng chỉ hơn 2 giờ sau đã bán hết, trong khi bình thường số lượng này bán trong hơn một ngày.
Tương tự, cửa hàng xăng dầu ở thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) cũng treo bảng hết xăng ngay từ đầu ngày 19/10. Đại diện cửa hàng nói, do nguồn cung từ đơn vị phân phối chưa về kịp. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đo thực tế hai bồn chứa xăng E5 và RON95, kết quả lượng xăng trong 2 bồn hết, không đủ bơm lên trụ để bán. Một lãnh đạo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, qua kiểm tra thực tế, các doanh nghiệp treo biển hết xăng hoặc đóng cửa do thiếu nguồn cung là do hàng nhập về chậm. Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 giờ, có hàng cửa hàng bán lại bình thường.
Có thể giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc thừa uỷ quyền Chính phủ, báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán 2023.
Liên quan việc thu thuế với xăng dầu, Chính phủ trình Quốc hội, nếu giá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, tác động đến lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân, thì trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp không dự trữ đúng quy định
Theo báo cáo của Bộ Công Thương hôm 19/10, qua kiểm tra tại khu vực miền Nam có 1/19 doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu, dự trữ xăng dầu theo quy định; 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và hạn mức nhập khẩu được Bộ phân giao.
Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Công Thương TPHCM, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2 thuộc Petrolimex Sài Gòn, cho biết, tại TPHCM, hệ thống này có 71 cửa hàng phân phối xăng dầu, 45 thương nhân nhượng quyền bán lẻ; mặc dù số lượng chỉ chiếm 20% trong tổng số 550 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thành phố nhưng sản lượng chiếm tới 40% thị phần.
"9 tháng đầu năm nay, bình quân Petrolimex Sài Gòn cung ứng 1.500m3/ngày. Từ đầu tháng 10, một số cửa hàng xăng dầu của các đơn vị khác hết hàng, tạm ngưng bán xăng nên đã gây áp lực lên hệ thống, làm cho sản lượng tăng 18% vào ngày 8-9/10; tới ngày 10-11-12/10, sản lượng tăng 200% với 3.100m3/ngày, quá tải cục bộ tại một thời điểm dẫn đến tâm lý khách hàng lo lắng, xếp hàng mua xăng gây ùn tắc hệ thống Petrolimex Sài Gòn và các cửa hàng nhượng quyền", ông Hùng nói.
Tại thời điểm này, Petrolimex Sài Gòn cố gắng để đảm bảo đủ cung ứng cho kênh phân phối trong hệ thống phía Nam. Từ ngày 18/10 đến hết tháng 10, Petrolimex Sài Gòn có kế hoạch nhập hàng với tổng sản lượng khoảng 190.000 m3, cùng với tồn kho hiện tại trên 300.000 m3 và kế hoạch nhập hàng của các tháng tiếp theo đủ để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối Petrolimex phía Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ nguồn cung cho cả nước, cần có sự tham gia tích cực của nhiều đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, thành phố đang hoạt động 540/550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối và 60 thương nhân phân phối. Mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ trung bình khoảng 6 - 7 triệu lít xăng, dầu. Trong chuỗi cung ứng xăng dầu của TPHCM, khối tư nhân tham gia vào hệ thống phân phối rất lớn nhưng chỉ theo từng khâu, không phải toàn chuỗi nhập khẩu - phân phối - làm đại lý - bán lẻ giống mô hình như Petrolimex, Saigon Petro.
Để ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương kiến nghị UBND TPHCM và các cấp có thẩm quyền hỗ trợ cấp tín dụng cho doanh nghiệp; tính toán lại chi phí vận chuyển theo cự ly địa lý để đảm bảo lợi ích hài hòa trong chuỗi cung ứng; đề xuất một số nội dung nhằm đảm bảo duy trì việc kinh doanh xăng dầu, trong đó có giải pháp điều chỉnh giá kịp thời, linh động theo đúng chu kỳ.