Ngày 5/5, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020” do UBND TP.HCM tổ chức, các ý kiến của chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp TP khuyến nghị TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng chương trình phục hồi hậu Covid-19, cũng như có các chính sách hỗ trợ DN, tránh để DN đi vào con đường phá sản.
Ngăn doanh nghiệp phá sản
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thách thức lớn nhất là việc làm sao phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 12. Vì vậy, trong điều kiện bình thường mới, cần phải phòng dịch quyết liệt song song với phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội.
Toạ đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020” ngày 5/5. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, có nhiều giải pháp để triển khai như: Thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ…; Phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.
Trước mắt và quan trọng là cần ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động từ tháng 5 đến tháng 6; hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước; Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh; Triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP.HCM giải ngân ngay gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng cho rằng phải đẩy mạnh xây dựng Khu công nghiệp mới, Khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP.HCM, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay; Hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.
Song song với đó là việc phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của thành phố, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TP.HCM, phát triển hạ tầng TP.HCM, phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.
Khai thác tốt hơn tiềm năng thị trường trong nước
Trao đổi tại tọa đàm, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trên diện rộng.
Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong quý I chỉ tăng 0,42% (cả nước chỉ tăng 3,82%). Trên 262.000 doanh nghiệp của thành phố, trong đó 97,19% là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp. Dù các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai nhanh, nhưng sự tiếp cận của các gói tiếp cận vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của TP khi kinh tế thế giới suy thoái. Do đó, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ rất quan trọng khi triển khai thực hiện các gói giải pháp tài khóa nhằm kích thích kinh tế và thực hiện an sinh xã hội. Cùng với đó là các giải pháp của TP nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước, không chỉ thị trường trên địa bàn TP.
TP.HCM có hơn 262.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh hoạ)
Đồng thời, các yếu tố nội tại cơ bản của TP phải được đảm bảo để hướng đến sự phục hồi kinh tế, năng suất của hoạt động kinh tế, phải có các giải pháp cải thiện sản phẩm và tạo ra sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước.
Đồng quan điểm, GS.TS Hồ Đức Hùng – Giảng viên trường Đại học Kinh Tế TP.HCM cho rằng, từ trước đến nay chúng ta quá chú trọng vào xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước, để phục hồi kinh tế của TP và cả nước, cần đặc biệt lưu ý đến khía cạnh này.
Theo GS.TS Đỗ Đức Hùng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là giới tiểu thương dể bị "tổn thương" do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các đối tượng dễ bị "tổn thương" nhất, đồng thời cũng dễ “biến nguy thành cơ”, dễ phục hồi nhất. Do vậy TPHCM cần có giải pháp nâng cao sức đề kháng, hồi phục nhóm đối tượng này một cách nhanh chóng nhất có thể.
Ông cũng đề xuất 6 giải pháp cho nhóm đối tượng này trong thời gian tới. Trong đó thành phố cần tiến hành đánh giá ngay mức độ "tổn thương" trong từng lĩnh vực ngành nghề; tái cấu trúc lại hoạt động kinh tế của thành phố đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ này (nhóm này chiếm 97%); trên cơ sở đó tái cấu trúc lại thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước; cấp bách hỗ trợ các tiểu thương, hộ kinh doanh không chỉ vốn, mà còn đào tạo kỹ năng, phương thức kinh doanh mới...
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright khuyến nghị TP. HCM nên tính toán, xem xét việc huy động và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ngắn hạn để bổ sung nguồn lực ngân sách sẵn sàng hỗ trợ DN nhằm ngăn chặn sự phá sản của DN…
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái TP.HCM. (Ảnh minh hoạ)
Ở phương diện doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Chu Tiến Dũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, kiến nghị chính quyền TP đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu và các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng cách ly. Cụ thể, từng bước nới lỏng cách ly xã hội, nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất kinh doanh trong nước; khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa đặc biệt là tại cảng.Mặt khác, TP cần chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch covid-19. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các DN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường…