Lừa đảo trên không gian mạng vẫn đang có những diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, biến đổi qua từng ngày. Trong đó, nổi lên thời gian gần đây là tình trạng hàng loạt trang thông tin điện tử giả mạo thương hiệu để tạo lòng tin, nhằm lừa đảo người dùng Việt Nam.
Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, ra soát không gian mạng. Đơn vị này phát hiện thêm 68 trang thông tin điện tử giả mạo thương hiệu của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo người dùng.
Theo đó, các đối tượng chủ yếu nhắm đến ngân hàng khi có đến 28 website giả mạo, 2 trang web giả mạo trang thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 1 trang giả mạo website của Thanh tra Chính phủ.
Đáng chú ý, có đến 18 trang website giả mạo Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIBbank).
Ngoài ra, các trang web giả mạo các ngân hàng phổ biến tại Việt Nam như: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Mbbank).
Chuyên gia công nghệ NCSC cho biết, các đối tượng hiện nay sử dụng thủ đoạn lập ra website giả mạo các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính, ngân hàng, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước... mục tiêu chính là lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.
Việc sử dụng website giả mạo để lừa đảo không chỉ gây thiệt hại cho người dân, còn ảnh hưởng tiêu cực đến đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo.
NCSC đã liên tục rà soát trên không gian mạng thời gian qua và ghi nhận hơn 124.920 địa chỉ trang web giả mạo các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, NCSC cũng cho biết, đã ghi nhận hơn 90.030 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các máy chủ, máy trạm, hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức nhà nước.
Trước tình hình tội phạm có xu hướng tiếp tục gia tăng, NCSC đưa ra cảnh báo các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình.
Đồng thời, các đơn vị, tổ chức này cần sớm cảnh báo đến người dùng nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin của thương hiệu của chính mình.
Để loại bỏ các lỗ hổng bảo mật nguy hiểm tồn tại của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia bảo mật đề nghị các đơn vị cần thực hiện kiểm tra toàn diện, rà soát hệ thống giúp xác định hệ thống có sử dụng các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng không, nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ an toàn thông tin.