Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha.
Trước đó, dữ liệu do Israel công bố cho biết, hiệu quả bảo vệ trước các triệu chứng do nhiễm COVID-19 của vaccine Pfizer/BioNTech giảm từ 94% xuống còn 64% sau khi biến thể Delta bắt đầu lan rộng trong quốc gia này.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, phối hợp với Bộ Y tế và Chăm sóc sức khỏe Anh thực hiện cho thấy, khả năng bảo vệ của hai loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng nhiều nhất hiện nay nhằm phòng ngừa biến thể Delta là Pfizer/BioNTech và AstraZeneca giảm sau 3 tháng tiêm mũi thứ 2.
Theo nghiên cứu, hai tuần sau khi tiêm liều vaccine thứ 2 của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt được lần lượt là 85% và 68%. Tuy nhiên, dựa trên hơn 3 triệu mẫu bệnh phẩm thu thập trên khắp nước Anh, Đại học Oxford phát hiện ra rằng, sau 90 ngày kể từ khi tiêm mũi vaccine thứ 2 của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả của vaccine đã giảm xuống lần lượt là 75% và 61%.
Sự suy giảm hiệu quả vaccine thể hiện rõ rệt hơn ở những người từ 35 tuổi trở lên so với những người dưới độ tuổi này. Các nhà nghiên cứu không cho biết khả năng bảo vệ của vaccine sẽ giảm thêm như nào theo thời gian, song cho rằng, hiệu quả phòng ngừa của cả 2 loại vaccine trên là khoảng 4-5 tháng sau khi tiêm liều thứ 2.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, mà vẫn nhiễm biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cho người khác cao hơn so với những biến thể trước đây. Theo các nhà nghiên cứu, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh vì những người mắc bệnh dù đã tiêm đủ liều vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca cũng có tải lượng virus tương tự như những người mắc bệnh mà chưa tiêm vaccine.
Kết quả nghiên cứu trên tương tự với kết quả phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, và được đưa ra khi Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch tiêm liều tăng cường (mũi thứ 3) cho người dân từ ngày 20/9, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, medRxiv, nhóm nghiên cứu của Mỹ đã chứng minh điều ngược lại.
Trong bài báo đăng trên medRxiv (chờ phản biện), nhóm chuyên gia của Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Mỹ, khẳng định, hiệu quả của vaccine không bị ảnh hưởng bởi biến chủng Delta.
Nhóm chuyên gia sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan y tế công cộng ở 7 tiểu bang, 5 quận và Colombia để thu thập kết quả xét nghiệm. Đồng thời, nhóm cũng đánh giá kết quả tiêm chủng từ ngày 15/5 đến 15/9. Đây là giai đoạn Delta chiếm đa số trong các ca mắc mới tại Mỹ, có thời điểm tỷ lệ lên tới 100%.
Các nhà nghiên cứu khẳng định, hiệu quả của vaccine vẫn rất cao trên toàn nước Mỹ từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8. Duy nhất Washington có sự giảm nhẹ về hiệu quả của vaccine trước COVID-19 trong thời điểm cuối tháng 6.
Trung bình, chỉ số hiệu quả của vaccine COVID-19 (đo bằng khả năng chống lại nhiễm nCoV, xác định qua xét nghiệm rRT-PCR), luôn ở mức 0,7-0,9, không thay đổi ngay cả trong thời điểm biến chủng Delta lây lan mạnh nhất.
Yếu tố khác là tải lượng virus. Các F0 không tiêm vaccine có tải lượng virus tăng lên, dễ diễn biến nặng. Trong khi đó, người đã tiêm chủng và mắc COVID-19 có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, tải lượng virus của họ giảm nhanh, hồi phục sớm.
Độ tuổi tiêm chủng trung bình đã giảm 4,4 tuổi so với mùa hè năm 2021. Do đó, hiệu quả của vaccine có thể tăng lên khi ngày càng nhiều người trẻ được tiêm chủng trong thời điểm Delta lây lan.
Nhóm chuyên gia nhấn mạnh, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta thoát khỏi khả năng miễn dịch từ vaccine COVID-19 đang sử dụng tại Mỹ, vaccine là biện pháp tốt nhất hiện nay để bảo vệ chúng ta khỏi biến chủng Delta. Ngoài ra, hiệu quả của vaccine có sự khác nhau giữa những độ tuổi được tiêm chủng.