Cụ thể, các nhà nghiên cứu của CDC đã tiến hành phân tích gần 3.689 người lớn nhập viện do Covid-19 với triệu chứng nghiêm trọng từ ngày 11/3 đến ngày 15/8. Nhìn chung, 12,9% đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine Moderna, 20% được tiêm Pfizer-BioNTech và 3,1% đã được tiêm vaccine J&J.
Báo cáo của CDC Mỹ chỉ ra rằng, vaccine Moderna mang lại hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do Covid-19 ở người Mỹ trưởng thành có hệ miễn dịch không suy giảm. Vaccine Pfizer đạt hiệu quả 88% và vaccine J&J đạt hiệu quả 71% trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện.
Điểm đáng chú ý, báo cáo đã phân tích về hiệu quả vaccine sau các mốc thời gian dao động từ 14 đến 120 ngày sau khi tiêm, và kết quả có sự chênh lệch rõ rệt.
Sau khi tiêm chủng, hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện của Pfizer giảm từ 91% trong khoảng thời gian từ 14-120 ngày sau tiêm xuống còn 77% sau mốc thời gian 120 ngày trở lên. Trong khi đó, vaccine Moderna vẫn cho hiệu quả 92% chống lại nguy cơ nhập viện do Covid sau khi tiêm 120 ngày.
Nghiên cứu của CDC Mỹ cũng bao gồm một phân tích riêng về mức độ các loại kháng thể khác nhau do vaccine tạo ra được lấy từ 100 tình nguyện viên. Vaccine Moderna tạo ra lượng kháng thể cao hơn so với Pfizer và Johnson & Johnson ở phần quan trọng của protein gai mà virus thông qua để xâm nhập tế bào.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy sự vượt trội của vaccine Moderna so với vaccine Pfizer, bao gồm một nghiên cứu của CDC được công bố trước đó. Lý do về sự chênh lệch hiệu quả giữa 2 loại vaccine không hoàn toàn rõ ràng. Nhưng có thể là do sự khác biệt giữa liều lượng tiêm hoặc có thể liên quan tới khoảng thời gian tiêm vaccine, khi vaccine Pfizer tiêm cách nhau 3 tuần trong khi Moderna cách nhau 4 tuần.
“Hiểu được sự khác biệt về hiệu quả của các sản phẩm vaccine có thể giúp định hướng lựa chọn của các cá nhân và định hướng chính sách liên quan đến mũi tiêm nhắc lại. Tất cả các vaccine Covid mà FDA đã phê duyệt đều mang lại mức độ bảo vệ cao khỏi nguy cơ nhập viện do Covid-19”, báo cáo nhấn mạnh.