Mới đây, các chuyên gia đến từ cơ quan Nghiên cứu và Đánh giá Kaiser Permanente Nam California (Hoa Kỳ) đã công bố một nghiên cứu quy mô lớn về hiệu quả của vaccine Pfizer.
Nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm 2 mũi vaccine Pfizer, hiệu quả của vaccine trong việc chống lại tất cả các biến thể Covid-19 đã giảm từ 88% trong vòng 1 tháng xuống còn 47% sau 6 tháng. Tuy nhiên, hiệu quả ngăn ngừa việc nhập viện của vaccine vẫn ở mức cao, ở mức 90% trên tất cả các biến thể, bao gồm cả Delta.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 3 triệu người trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021. Trong thời gian nghiên cứu, có 5,4% trên tổng số 3 triệu người bị nhiễm SARS-CoV-2. Trong số những người bị nhiễm bệnh, 6,6% phải nhập viện. Thời gian trung bình bị nhiễm virus kể từ khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine là từ 3-4 tháng.
Nghiên cứu được công bố trên Lancet và được đánh giá phù hợp với các báo cáo sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và Bộ Y tế Israel, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại virus sẽ mất dần trong vòng 6 tháng.
Trả lời với The Guardian của Anh, tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Sara Tartof, thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đánh giá Kaiser Permanente Nam California, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng vaccine là một công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch. Đồng thời, vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng cũng như khả năng nhập viện."
"Phân tích cụ thể về biến thể của chúng tôi cho thấy, vaccine Pfizer có hiệu quả chống lại tất cả các biến thể đang được quan tâm hiện nay, bao gồm cả Delta", Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc y tế của hãng dược Pfizer, Tiến sĩ Luis Jodar cho hay.
"Việc mắc Covid-19 ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine có thể là do sự suy yếu theo thời gian của vaccine, chứ không phải do Delta hoặc các biến chủng khác thoát khỏi sự bảo vệ của vaccine", Tiến sĩ Luis Jodar nói thêm.
Theo Giáo sư về dược phẩm tại Đại học King's College London, Penny Ward, việc nghiên cứu này được đánh giá bằng cách sử dụng dữ liệu từ một lượng lớn cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe, đã mô tả thực tế ở Hoa Kỳ về hiệu quả của vaccine Pfizer.
"Nếu mục tiêu của việc tiêm chủng là ngăn ngừa bệnh tật và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thì nghiên cứu cho thấy cần phải tiêm thêm mũi tăng cường sau 6 tháng, đặc biệt là trong số những người dễ bị tổn thương nhất", vị giáo sư cho biết.
Hồi tháng 8, giới chức trách Mỹ đã thông qua việc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho những người có hệ miễn dịch suy yếu. Pháp cũng phê duyệt mũi tiêm này cho người lớn tuổi.
Tuy nhiên, một báo cáo hồi tháng 9 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các vaccine ngừa Covid-19 hiện tại đạt hiệu quả đủ để chống lại nguy cơ bệnh nặng và việc tiêm mũi tăng cường là không cần thiết với dân số nói chung.
Tham khảo: The Guardian/ The Lancet