Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) của Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô khác đang tung ra một loạt xe điện thể thao nhằm khai thác hướng đi tiềm năng mới trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng cạnh tranh gay gắt .
Tại trụ sở của Aion - thương hiệu con của GAC ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, trải dài một khu đất rộng khoảng 3.000 mét vuông - địa điểm đặt nhà máy xe điện của công ty, các kĩ sư đang gấp rút hoàn thiện các khâu sản xuất của một chiếc xe thể thao .
Khi bộ khung được đưa vào dây chuyền sản xuất, các kỹ thuật viên sẽ cẩn thận lắp ráp các bộ phận của xe bằng tay và chiếc Hyper SSR của thương hiệu hạng sang Hyper sẽ dần thành hình. GAC Aion đã phát hành mẫu xe này vào đầu tháng 10 vừa qua, đang sản xuất một số mẫu xe này mỗi ngày trên cơ sở sản xuất theo đơn đặt hàng.
ZEEKR cũng không nằm ngoài cuộc chơi, thương hiệu xe điện thuộc hãng sản xuất ô tô Geely đã cho ra mắt chiếc 001 FR vào cuối tháng 10.
Kimi Raikkonen, cựu vô địch thế giới giải đua Công thức 1, đã được bổ nhiệm làm cố vấn hiệu suất chính của FR. Ngôi sao này đã được yêu cầu tham gia điều chỉnh khung gầm và bộ phận truyền động của xe, đồng thời đã thúc đẩy hiệu suất tăng tốc của FR và những thứ khác bằng cách phát trực tuyến video quay cảnh anh ấy đang lái xe trên một vòng đua.
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD cũng tiết lộ kế hoạch ra mắt U9, siêu xe của thương hiệu xe hơi hạng sang Yangwang.
Feng Xingya, chủ tịch của GAC Group cho biết: “Chúng tôi hy vọng SSR sẽ củng cố hình ảnh thương hiệu và đóng vai trò là hình mẫu cho việc Trung Quốc gia nhập phương tiện năng lượng mới cao cấp".
Giá cả phải chăng là động lực tăng trưởng đằng sau thị trường xe năng lượng mới của Trung Quốc. BYD bán 300.000 xe điện và xe hybrid (PHV) mỗi tháng, cả hai đều được bán với giá 100.000 đến 200.000 nhân dân tệ (14.000 đến 28.000 USD).
Cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường xe năng lượng mới khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia. Đối với các công ty, xe thể thao giúp họ nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách thể hiện công nghệ tiên tiến của xe, ví dụ như khả năng tăng tốc và điều khiển chính xác. Hình ảnh thương hiệu được nâng cao sẽ dẫn đến việc bán hàng ở nước ngoài dễ dàng hơn.
Sau khi đã định hình được thị trường ô tô giá rẻ, động thái tiếp theo của Trung Quốc là phát triển ô tô thể thao. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang thúc đẩy doanh số bán hàng trong và ngoài nước bằng cách củng cố hình ảnh doanh nghiệp của các nhà sản xuất ô tô, một chiến lược đi theo quỹ đạo của Nhật Bản trong quá khứ.
Quá trình cơ giới hóa tăng tốc ở Nhật Bản khi Toyota tung ra Toyopet Crown vào năm 1955, và những năm 1960 chứng kiến sự nở rộ của xe thể thao sản xuất tại Nhật Bản.
Chẳng bao lâu sau, Honda đã cho ra mắt S500 và Toyota 2000GT. S30 Fairlady Z của Nissan cũng đã ra mắt năm 1969 và tái khởi động vào năm ngoái vẫn thu hút rất nhiều người hâm mộ cho đến ngày nay. Mazda cũng đã thâm nhập toàn diện vào châu Âu nhờ mẫu xe Cosmo Sport chạy bằng động cơ quay ra mắt năm 1967.
Mỗi nhà sản xuất ô tô đều đã tận dụng vị thế thị trường toàn cầu của mình bằng cách phát huy sức mạnh công nghệ của mình thông qua các mẫu xe thể thao , điều mà giờ đây dường như được phản ánh ở Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia