Trước đó, vào ngày 10/6, Chi cục Chăn nuôi và thú y Thành phố ghi nhận trường hợp lợn nuôi tại hộ của bà Lê Thị Ngọc Cẩm có triệu chứng điển hình của bệnh DTLCP nên lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 để xét nghiệm.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và thú y TPHCM đã phối hợp với UBND phường Phú Hữu và UBND Quận 9 tiêu hủy đàn lợn của gia đình bà Cẩm với tổng đàn là 163 con, cùng toàn bộ thức ăn thừa tại hộ này. Lực lượng liên ngành cũng đã rải vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi và xử lý hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ khi tiêu hủy đàn lợn.
Sở NN&PTNT TPHCM cho TTXVN biết, với việc phát hiện trường hợp lợn nhiễm DTLCP trên địa bàn, Thành phố phải triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch theo tình huống thứ 3 trong kịch bản phòng chống DTLCP đã ban hành trước đó.
Cụ thể, với các hộ chăn nuôi ở phường Phú Hữu (có 7 hộ chăn nuôi và tổng đàn là 506 con), Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với UBND quận cấp thuốc sát trùng và hướng dẫn các hộ thực hiện tiêu độc khử trùng mỗi ngày, liên tục trong 7 ngày; tiêu độc định kỳ 3 lần/ngày trong 3 tuần tiếp theo. Tạm thời, các hộ chăn nuôi khu vực này không được xuất bán lợn trong vòng 30 ngày.
Đối với khu vực bị uy hiếp, trong vòng bán kính 3 km xung quanh ổ dịch (hiện có 29 hộ chăn nuôi với 2.422 con lợn), các hộ được cấp thuốc sát trùng và thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày 11/6.
Song song đó, UBND Quận 9 thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại khu vực cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng gồm các lực lượng cảnh sát giao thông, thú y, thanh niên xung phong, công an xã và dân quân tự vệ để kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện qua lại địa bàn.
Tính đến ngày 11/6, cả nước có 55 tỉnh, thành phố xuất hiện DTLCP, số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con. Hiện còn 8 tỉnh chưa xuất hiện dịch là Quảng Bình, Phú Yên, Bến Tre, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Bà rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.