Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch Đông Nam Bộ giữa TP HCM với 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh lần này sẽ giúp du lịch của vùng phát triển đồng bộ trên 5 nhóm nội dung chính: nâng chất và hình thành các sản phẩm du lịch liên kết mới; quảng bá và xúc tiến du lịch vùng (nhận diện một thương hiệu du lịch vùng); kêu gọi đầu tư nâng chất các điểm đến; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng và tăng cường công tác chia sẻ thông tin quản lý. Các nhóm nội dung này phải được cụ thể hóa thành kế hoạch từng năm, xác lập vai trò của từng thành viên trong sự hợp tác phát triển chung.
Những năm qua, trong liên kết du lịch, Sở Du lịch TP HCM đã kết nối với 43 tỉnh, thành trên cả nước, gồm cả liên kết song phương và đa phương, song sự liên kết hợp tác vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu với tất cả các vùng. Trong định hướng tiếp cận mới, lãnh đạo TP nhận thấy cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền các địa phương bởi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành để giải quyết các vấn đề liên quan như hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin...
Với định hướng đó, năm 2019, lần đầu tiên TP HCM đã ký kết liên kết với 13 tỉnh, thành ĐBSCL ở góc độ chính quyền. Sự đổi mới phương thức liên kết này đang từng bước tác động hiệu quả vào các chương trình liên kết. Sáu tháng đầu năm 2020, sau thỏa thuận liên kết giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, dù chịu tác động của 4 tháng dịch, đã có hơn 50.000 lượt khách đi các tour liên kết mới từ TP HCM đến các tỉnh, thành ĐBSCL.
Hội nghị sơ kết với sự chủ trì của Hội đồng Du lịch vùng diễn ra 2 ngày 3 và 4-7 sắp tới tại TP Cần Thơ sẽ đánh giá những mặt làm được và hạn chế trong 6 tháng đầu năm 2020, cũng như thảo luận phương hướng 6 tháng tiếp theo để bảo đảm các chương trình triển khai hiệu quả, có thời hạn. Sắp tới, TP HCM dự kiến liên kết với các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và cụm kinh tế trọng điểm miền Trung.
Việc hình thành liên kết cũng xuất phát từ chính nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nội địa là con đường quan trọng để phục hồi du lịch trong giai đoạn này. Sự liên kết là một "chất keo" kết dính các doanh nghiệp lữ hành với điểm đến gần hơn, chia sẻ những lợi ích của nhau để chuyển biến thành những sản phẩm liên kết cụ thể, mang lại cho du khách những trải nghiệm tốt hơn. Việc hình thành đa dạng các sản phẩm liên kết kết giữa các tỉnh, thành sẽ tăng cường thu hút người dân các địa phương đi du lịch lẫn nhau, giúp phục hồi dần trở lại tâm lý còn e ngại dịch chuyển sau những tác động của dịch Covid-19. Ngay trong khuôn khổ hội nghị liên kết các vùng Đông Nam Bộ, ngày 27-7, tour liên kết du lịch TP HCM - Tây Ninh với nhiều điểm mới lần đầu tiên được đưa vào khai thác.
Với vai trò đầu tàu trong việc thu hút khách du lịch, thị trường nguồn cung cấp khách cho các địa phương, TP HCM cũng cần chuyển động để làm mới các sản phẩm du lịch của mình. Như đã đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến 2030 của đơn vị tư vấn của Đức, TP cần làm mới, nâng cấp những sản phẩm cốt lõi vốn là lợi thế của TP là văn hóa lịch sử, ẩm thực và mua sắm.