Là “đầu tàu” của vùng, được giao trọng trách là “nhạc trưởng” để điều phối, hiện TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị các công việc để sẵn sàng triển khai ngay dự án
Tính đồng bộ giữa các dự án thành phần là đặc biệt quan trọng
Để triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM, từ tháng 11/2021, Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ cho TP.HCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị dự án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong một thời gian ngắn, TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, đặc biệt Chủ tỉnh UBND các tỉnh, thành phố đã có các cuộc họp liên tục, cùng với sự tham gia, phối hợp hỗ trợ của Bộ ngành đã nghiên cứu các hình thức đầu tư và từ đó báo cáo với Chính phủ vào tháng 1/2022 chấp thuận phương thức triển khai theo hình thức đầu tư công.
Để thuận tiện cho việc triển khai, TP.HCM đã thành lập Tổ công tác bao gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng như lãnh đạo các bộ để tham gia chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với vai trò là "nhạc trưởng", TP.HCM là cơ quan đầu mối, điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, các yếu tố kỹ thuật bảo đảm tính kết nối, đồng bộ thống nhất về hệ thống tiêu chuẩn, bảo đảm tuyến đường khi triển khai xây dựng cũng như quá trình đưa vào khai thác, bảo đảm yếu tố kỹ thuật theo đúng thiết kế phê duyệt.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự án Vành đai 3 TP.HCM có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án thành phần gồm 1 dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư và 1 dự án xây lắp. Do đó, tính đồng bộ giữa các dự án thành phần là “đặc biệt quan trọng” để đảm bảo tiến độ chung.
"Với vai trò đầu mối, TP.HCM thường xuyên trao đổi, thống nhất cao với các tỉnh những chính sách, đề xuất, kiến nghị cũng như cách làm. Sắp tới sẽ xây dựng quy chế phối hợp để triển khai dự án, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ, vật liệu, các cơ chế về chuyên gia tham gia hỗ trợ, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng dự án" - ông Trần Quang Lâm nêu rõ.
Thành lập Ban Chỉ huy chung cho toàn dự án để đảm bảo đồng bộ
Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Điểm đầu là nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành tại huyện Bến Lức, Long An. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 15,3km hiện đang khai thác với quy mô 6 làn xe đô thị, tỉnh Bình Dương đang cải tạo, nâng cấp và bổ sung các nút giao khác mức đáp ứng khai thác 80km/h.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 75.378 tỷ đồng, trong đó có 38.741 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 36.637 tỷ ngân sách địa phương mà dự án đi qua. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là 41.589 tỷ đồng.
Đây là dự án mang tầm quốc gia, được kỳ vọng là động lực thúc đẩy vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Dù chi phí thực hiện lớn nhưng nhận thức được đây là dự án trọng điểm, cấp bách, các địa phương cũng thể hiện quyết tâm rất lớn qua việc HĐND TP.HCM và các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều có Nghị quyết riêng về dự án, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện.
Do đó, việc đảm bảo nguồn vốn là vấn đề mà TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương, Long An có thể “đảm bảo” khi đây đều là những địa phương phát triển, có đóng góp rất lớn cho cả nước. Vấn đề quan trọng còn lại là công tác triển khai khi dự án được thông qua.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, với một dự án tầm quốc gia, xuyên qua nhiều địa phương thì tính đồng bộ là cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho thành công của dự án. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thì việc chia dự án thành phần theo từng địa phương là phù hợp nhất với thực tế. Do dự án lớn, khối lượng công việc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề rất phức tạp, nên đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, làm sao giải phóng mặt bằng phải đồng bộ về thời gian, tiến độ, cơ chế, chính sách để có mặt bằng để thi công…
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng vấn đề đồng bộ về xây lắp cũng rất quan trọng. Trong 4 địa phương thì TP.HCM cần phải nỗ lực nhiều hơn do dự án trải dài qua nhiều địa bàn… Ngoài tổ công tác gồm lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương, TP.HCM dự kiến thành lập một Ban Chỉ huy dự án, Văn phòng dự án và Hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia trên lĩnh vực giao thông, cầu đường để tư vấn cho TP. Dự kiến Ban Chỉ huy sẽ đặt ở trụ sở UBND TP kết nối đến các đầu mối, công trường, cập nhật kế hoạch tổng thể, chi tiết để theo dõi.
"Cơ chế này giúp chúng ta nhận diện vấn đề sớm, đồng bộ và trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch chuyên đề và có cơ chế rà soát tiến độ để kịp thời bổ sung các giải pháp. Ở đây chúng tôi thấy việc phải phối hợp nhiều địa phương, khối lượng công việc lớn trong khoảng thời gian ngắn rõ ràng là có khó khăn, nhưng với trách nhiệm và kinh nghiệm trong thời gian qua, TP.HCM sẽ làm tốt việc này" - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Các chuyên gia giao thông cũng khẳng định sẵn sàng tham gia, đóng góp ý kiến tâm huyết để dự án có thể triển khai đúng tiến độ. Trong đó, cần phải nhìn rộng Vành đai 3 ra trong bài toán giao thông toàn vùng, phải có nghiên cứu làm một quy hoạch giao thông vùng TP.HCM hoàn chỉnh, thay vì chỉ tập trung phát triển giao thông của mỗi TP.HCM và TP.HCM sẽ có vai trò đầu tàu, cân đối nguồn lực, chọn các trọng điểm để đầu tư.
Ngoài ra cần phải chuẩn bị, rà soát và lựa chọn được nhà thầu đảm bảo năng lực sao cho phù hợp, tránh việc một dự án thành phần nào đó không đảm bảo tiến độ sẽ ảnh hưởng đến toàn dự án.
Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật TP.HCM nói: "Trong nghiên cứu chi tiết chúng ta phải đánh giá, lựa chọn quy mô năng lực các nhà thầu sao cho phù hợp; có những cơ chế, giải pháp, cân đối lựa chọn các nhà thầu. Đặc biệt là đưa ra yêu cầu về trách nhiệm, ràng buộc rõ ràng, tránh trường hợp lợi ích nhóm có thể làm kéo dài dự án này".
Với vai trò là "nhạc trưởng" trong thực hiện dự án đường Vành đai 3, đến giờ này, lãnh đạo TP.HCM cam kết, khẳng định sẽ luôn làm tốt vai trò này đến khi hoàn công, nghiệm thu công trình. TP sẽ chủ trì việc xây dựng kế hoạch hàng năm, điều phối đảm bảo thực hiện và đặc biệt là chủ trì, làm đầu mối giải quyết các vấn đề phát sinh để làm sao dự án Vành đai 3 TP.HCM được triển khai theo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực Đông Nam bộ, kỳ vọng của hơn 20 triệu người dân trong khu vực.