Các khoản thu nhập khá lớn này có được từ việc tham gia vào các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế trên mạng internet. Sở dĩ cơ quan thuế phát hiện ra 2 trường hợp trên nhờ ngân hàng cung cấp thông tin về những khoản tiền được chi trả từ nước ngoài cho công dân Việt Nam.
Trước hết, cần khẳng định, 2 bạn trẻ ấy không làm gì sai trái và cũng không có ý định trốn thuế. Thu nhập họ có được chủ yếu do viết chương trình trò chơi và sản xuất các clip vui nhộn trên Google, Facebook, Youtube… Khởi điểm của nghề đặc biệt này chỉ mang tính thư giãn kỷ nguyên công nghệ số, chứ không ai nghĩ đến tiền.
Dần dà, những ý tưởng mới lạ và những khả năng tương tác giúp các sản phẩm của họ đến được với nhiều người, và buộc những ông chủ trên thế giới ảo phải chia sẻ thành quả kinh doanh cho họ. Rõ ràng, trong thời đại công nghiệp 4.0, những lao động sáng tạo như vậy rất đáng được khuyến khích.
Ảnh minh họa.
Ai cũng có nghĩa vụ nộp thuế. Bạn trẻ tuổi đôi mươi kiếm được bạc tỷ cũng sẵn sàng nộp thuế. Tuy nhiên, cơ chế thuế cho nguồn thu từ không gian mạng cần được cân nhắc. Cách đây không lâu, một phụ nữ tại TPHCM bị truy thu 9,1 tỷ đồng do có nguồn thu nhập khổng lồ từ buôn bán mỹ phẩm và quần áo trên Facebook. Đó là thí dụ về mô hình cá nhân của thương mại điện tử, với mức thuế 7% cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Còn người viết chương trình trò chơi và sản xuất clip không thể gộp chung vào biểu thuế “thu nhập từ kinh doanh”. Bởi lẽ, loại hình lao động sáng tạo này phải có sự đầu tư khác biệt về trí tuệ, kinh phí cũng như về thời gian.
Một sản phẩm được yêu thích trên Google hoặc Youtube đôi khi phải thai nghén nhiều năm, liên quan đến bản quyền và sự góp sức của nhiều cộng sự. Những khoản như vậy có được kê khai để khấu trừ chi phí sản xuất theo kiểu doanh nghiệp không? Chính cơ quan thuế cũng chưa hình dung được, để xây dựng thành văn bản pháp quy.
Ở nhiều quốc gia, thu thuế đối với người có thu nhập từ mạng internet đã được áp dụng từ lâu và rành mạch từng chi tiết. Cơ quan thuế nước ta đang nhắm vào những người có nguồn thu ở Google, Facebook và Youtube một cách tự phát và tình cờ.
Ngay cả khi Cục Thuế TPHCM gửi văn bản đề nghị hợp tác truy thu thuế của bạn trẻ có thu nhập 17 tỷ đồng trong các năm 2014-2017 nhưng Cục Thuế Quảng Nam không giấu được sự lúng túng vì chưa có tiền lệ. Hiện tại Cục Thuế TPHCM tiếp tục mời gần 14.000 chủ tài khoản trên mạng đến kê khai thu nhập, và dự kiến truy thu thuế được cả trăm tỷ đồng.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Truy thu thuế chỉ là giải pháp chẳng đặng đừng. Cần thiết kế cơ chế thuế cho các nguồn thu từ không gian mạng, sao cho vừa đảm bảo tính công bằng của luật pháp vừa đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế.