Sau gần 1 tuần họp, Lưỡng hội Trung Quốc 2020 - gồm kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp nước này - đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ rằng về ứng phó thành công với Covid-19 và đang nhanh chóng khởi động lại các hoạt động kinh tế.
Nghị quyết mở đường cho dự luật an ninh mới đối với đặc khu hành chính Hồng Kông cũng được Quốc hội Trung Quốc thông qua ở kỳ họp này, vấp phải phản ứng mạnh từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một số nhà phân tích nhận định: đứng trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia sẽ phát triển, cả về kinh tế lẫn chính trị.
"Các doanh nghiệp hiện nay cần xem xét vấn đề về mối quan hệ Mỹ - Trung một cách nghiêm túc," Tom Rafferty - Giám đốc khu vực châu Á của Đơn vị tình báo kinh tế (Economist Intelligence Unit - EIU) - nói với CNBC.
Ảnh: Getty Images
Trung Quốc gần đây tỏ ra mạnh mẽ hơn trên mặt trận chính trị.
Tranh cãi của những "chiến lang" ngoại giao Trung Quốc về nguồn gốc của Covid-19 đã gây ra căng thẳng với Mỹ, Úc, và một số nước châu Âu.
Cùng với đó, nhận xét về vấn đề Luật an ninh đối với Hồng Kông trong thời gian qua, ông Rafferty cho biết: "Đây chính là minh chứng cho sự tự tin của Trung Quốc trên phương diện chính trị."
Sự lạc quan của Trung Quốc khiến người ta ít chú ý vào những vấn đề còn tồn tại của quốc gia này, theo CNBC. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong buổi họp báo hậu bế mạc kỳ họp Quốc hội hôm 28/5 đã khẳng định sự cởi mở của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
George Friedman, chuyên gia địa chính trị, nhà sáng lập hai cơ quan dự báo chiến lược Mỹ là Geopolitical Futures và Stratfor, đánh giá "Vấn đề của Trung Quốc chính là ở sự lạc quan".
"Chúng ta được thấy 'hai Trung Quốc'. Một là điểm đến hàng đầu thế giới, một lại là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba."
Ông Friedman hoài nghi về mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc trong năm nay.
"Với tất cả những căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, cộng với việc Trung Quốc đang phải giải quyết những vấn đề nội bộ, nước này không chỉ sẽ cần tăng tiêu thụ nội địa mà còn cần chấp nhận những giới hạn trong quan hệ với Mỹ."
Áp lực của Mỹ lên Trung Quốc ngày càng tăng, từ việc sàn chứng khoán Mỹ siết quy định để hạn chế công ty Trung Quốc đến nỗ lực làm tê liệt "gã khổng lồ" viễn thông Huawei.
Ông Walter Lohman, Giám đốc Viên nghiên cứu Châu Á thuộc Quỹ Di sản, nhận định, sự đối kháng chính trị giữa Mỹ- Trung Quốc sẽ còn kéo dài.
"Để cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung, chúng ta cần phải cải cách thị trường ở Trung Quốc. Cải cách này bao gồm tư nhân hóa, đặt ra những quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước, đề xuất những quy tắc tốt hơn xoay quanh vấn đề trợ cấp, và giải quyết vấn đề cưỡng chế trên lĩnh vực công nghệ."
Trung Quốc chào đón đầu tư
Tuy nhiên, Trung Quốc được đánh giá là một trong số các quốc gia đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 1%, trong khi kinh tế Mỹ giảm gần 6% – tệ hơn mức giảm 3% toàn cầu.
"Thị trường Trung Quốc vẫn sẽ là một điểm đầu tư được ưa chuộng. Thậm chí ngay cả khi tính minh bạch của quốc gia này chỉ ở mức tương đối," ông Lohman cho hay.
Lần đầu tiên sau khoảng hai thập kỷ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều nhà kinh tế học đánh giá việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng hy vọng sẽ cải thiện chất lượng tăng trưởng và dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 1-3%.
Theo báo cáo từ tháng 8/2016 của các nhà phân tích công ty Nghiên cứu Gavekal Dragonomics, doanh thu của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đạt cao nhất là 450 tỷ đô la, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đạt chưa đến 50 tỉ đô.
"Các doanh nghiệp Mỹ được chào đón ở Trung Quốc. Điều đó ảnh hưởng tới các gói trợ cấp mà họ được nhận. Thái độ Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp nước ngoài này khá nhất quán trong những năm gần đây," ông Alan Beebe, giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho hay.
Ông Beebe cũng nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu Phòng Thương mại hỗ trợ hoạch định các chính sách hiệu quả nhằm kích thích sự phát triển của các công ty vừa và nhỏ.
Để thúc đẩy đầu tư nước ngoài, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách thuận lợi hơn vào cuối năm nay.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về phát triển và cải cách (NDRC) Ninh Cát Triết vào cuối tháng 4 cho biết những hạng mục đầu tư công nghiệp nhằm phát triển đầu tư nước ngoài sẽ sớm được công bố. Các dự án lớn có nguồn vốn nước ngoài tập trung vào các mảng điện tử, khai thác nguyên vật liệu mới, nâng cao quy trình sản xuất sẽ được triển khai trong năm nay.
Bất chấp những căng thẳng liên quan tới vấn đề dịch bệnh Covid-19 hay trong phương diện địa chính trị, hầu hết các nhà đầu tư đều nói rằng họ tin tưởng vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
"Với dân số của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ trong nước dồi dào, chính trị xã hội tương đối ổn định, hệ sinh thái doanh nghiệp ngày càng phát triển, tôi không hy vọng các công ty sẽ chuyển ra khỏi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc ít nhất là trong thời gian trước mắt," Victor Cadena, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mexico tại Trung Quốc, trả lời tờ Thời báo Hoàn cầu.
"Trung Quốc đại diện cho 1/3 sự phát triển của kinh tế thế giới. Vì vậy việc kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế đa phương," ông Cadena bổ sung rằng chính sách của Trung Quốc nhằm chào đón và thúc đẩy đầu tư nước ngoài đang được cải thiện qua mỗi năm.
Không chỉ Cadena tin vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, ông Joerg Wuttke chia sẻ với Hoàn cầu rằng Covid-19 không thể tạo ra một cuộc dịch chuyển thị trường ở Trung Quốc.
"Chúng tôi không muốn rời Trung Quốc," ông Joerg Wuttke khẳng định. "Đó là lý do tại sao chúng tôi tham gia và đòi hỏi nhiều hơn ở Trung Quốc."
Trong không khí căng thẳng ngày càng gia tăng, ông Wuttke cho biết thêm, Phòng Thương mại châu Âu vẫn đang mở rộng các lĩnh vực hợp tác ở Trung Quốc.