Trước thềm hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 (tổ chức ngày 21/6 tại Cần Thơ), ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cho biết, thực hiện quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Phát triển nông nghiệp tiếp tục được coi là thế mạnh, cũng là sứ mệnh của vùng ĐBSCL. Quy hoạch dự kiến phát triển hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để cung cấp các dịch vụ về logistics.
Bên cạnh nông nghiệp, công nghiệp được định hướng phát triển theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển.
"Phát triển mạnh kinh tế biển; thúc đẩy ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng", ông Thắng nhấn mạnh
Những cơ hội trên sẽ giúp nâng cao đời sống của người dân vùng ĐBSCL, tạo đầy đủ việc làm và sinh kế, hạ tầng đồng bộ, dịch vụ công tiện lợi và môi trường sống bền vững, chất lượng sống, gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của Vùng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 sẽ tổ chức vào ngày 21/6 tại Cần Thơ. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì với sự tham dự của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TPHCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
Hội nghị cũng sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD.