Giải quyết các nút thắt cho kinh tế tư nhân
Ông Vũ Thành Tự Anh
TS.Vũ Thành Tự Anh - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong ba thập kỷ vừa qua. Từ vị trí nhỏ nhoi bên lề, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 2/3 GDP, khoảng 2/3 tổng đầu tư, hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 90% công ăn việc làm trong khu vực chính thức.
Mặc dù khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) của Việt Nam đã trở nên năng động hơn và đóng vai trò đáng kể cho tăng trưởng và giải quyết việc làm, song số lượng DNTN tuy nhiều, nhưng quy mô nhỏ và chất lượng (năng lực cạnh tranh) thấp. Ngoài ra, trong khu vực kinh tế tư nhân có sự phân hóa rõ rệt thành những DN thân hữu, có mối quan hệ khăng khít với các định chế ngân hàng và giới chức chính quyền và những DN quy mô nhỏ ít có cơ hội tiếp cận các nguồn lực kinh tế. Mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam liên tục ký kết các hiệp định thương mại quan trọng, từ đó mở ra rất nhiều cơ hội, song do khu vực tư nhân còn yếu nên chưa được tận dụng triệt để. Trong khi đó, nhiều nguy cơ, đe dọa lại đang trở thành hiện thực.
Từ góc độ thể chế, DNTN trong nước đang gặp bốn thách thức cơ bản. Thứ nhất, quyền sở hữu tuy được ghi nhận trên giấy nhưng việc thực thi bảo hộ những quyền ấy còn yếu kém; thứ hai, DNTN chưa thật sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là đất đai, tín dụng và cơ hội kinh doanh; thứ ba, sự nhũng nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước đối với DN chưa giảm, thứ tư, thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường hoặc nếu có thì hoạt động kém hiệu quả.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP đạt trung bình 7%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP và thành tích tăng năng suất này, đòi hỏi nền kinh tế phải có động năng khác hẳn, trong đó khu vực tư nhân - đặc biệt là tư nhân trong nước - đóng vai trò then chốt.
Để khu vực DNTN thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, chỉ giải quyết các nút thắt trong nội bộ khu vực này như vừa kể ở trên là chưa đủ. Trái lại, cần có một cái nhìn tổng thế cho toàn bộ khu vực DN. Trong bối cảnh chưa thể thu nhỏ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, thì Chính phủ cần cải cách hệ thống quản trị của các DN này, đưa chúng vào môi trường cạnh tranh và chấm dứt cứu trợ cho những DN hay dự án thua lỗ nặng nề kéo dài. Đối với khu vực FDI, bên cạnh việc thu hút có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, thì tìm cách cho các DN nội địa kết nối vào mạng lưới cung ứng của những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu phải trở thành một ưu tiên chính sách quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Cần có chiến lược quốc gia
Ông Nguyễn Lâm Viên
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit nói: Suốt 35 năm đổi mới đến nay, kinh tế tư nhân được phát triển ở khắp nơi trong cả nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những chính sách mạnh mẽ thích hợp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trên bình diện quốc gia.
Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân đa phần có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng đóng góp không ít cho nền kinh tế và hoàn toàn có thể vươn lên, phát triển lớn mạnh nếu Chính phủ có chiến lược, định hướng và các chính sách thích hợp cho DNTN phát triển.
Chính phủ cần phải có chiến lược quốc gia, định hướng phát triển theo từng lĩnh vực, từng ngành để từ đó có những chính sách tiếp theo. Chẳng hạn, khi Chính phủ định hướng và có chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và công nghệ sinh học để đi ra thế giới thì từ đó Chính phủ sẽ có những chính sách thích hợp như chính sách hỗ trợ cho DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quy hoạch tài nguyên đất đai, dành những vùng đất tốt, gần nguồn nước, sông hồ để phát triển nông nghiệp thay vì dành để cho các dự án bất động sản. Từ định hướng đó, DN mới có cơ sở và niềm tin để đầu tư xây dựng chiến lược cho mình với một loạt các bộ công cụ như công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị, phát triển thị trường…