DN BĐS huy động hơn 90.000 tỷ đồng TPDN
Tại Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều ngày 14/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, có nhiều công cụ tài chính tác động đến thị trường BĐS, như thuế, phí, lệ phí, thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), sắp xếp lại đất đai…
Trong 2 năm vừa qua, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, các DN, bao gồm cả DN BĐS, đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực BĐS, phát hành TPDN dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này được giám sát chặt chẽ.
Hiện nay đã có trên 280 DN BĐS phát hành TPDN để huy động vốn. Riêng trong năm 2021, có 174 DN BĐS phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng TPDN phát hành toàn thị trường.
Quy mô huy động vốn của DN BĐS trên thị trường TPDN ngày càng tăng, tổng khối lượng phát hành TPDN của nhóm BĐS từ năm 2019 đến nay khoảng 500.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các DN BĐS cũng đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng TPDN. Một số DN lớn, tình hình hoạt động tốt cũng đã mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1.305 triệu USD trong giai đoạn 2019-2021.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, các DN BĐS, xây dựng phát hành trái phiếu có mức vốn chủ sở hữu từ 100 đến 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh những DN niêm yết đầu ngành có tỉ lệ dư nợ TPDN trên vốn chủ sở hữu dưới 5%, còn một số DN là công ty chưa đại chúng, quy mô nhỏ nhưng có có hệ số nợ vay cao.
Một số DN huy động vốn với lãi suất cao, trong khi kỳ hạn trái phiếu phát hành chỉ khoảng 2-4 năm, đặt ra vấn đề về khả năng cân đối vốn trong thời gian tới nếu tình hình thị trường gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các DN cơ bản đều tuân thủ quy định về công bố thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính, các dự án của DN.
Tuy nhiên, thông tin pháp lý về các dự án BĐS hiện chưa được tổng hợp và công bố công khai, do đó các nhà đầu tư rất khó đánh giá chất lượng của các dự án đầu tư mà DN nêu tại bản công bố thông tin, bao gồm cả các dự án đã, đang triển khai và dự án dự kiến sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.
Các ngân hàng thương mại là nhóm nhà đầu tư lớn nắm giữ TPDN BĐS. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng nắm giữ khối lượng lớn TPDN BĐS do các đặc điểm về lãi suất cao, kỳ trả lãi linh hoạt.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh thị trường BĐS phát triển chưa bền vững, sẽ có các rủi ro nhất định, kể cả đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo. Nếu trường hợp thị trường có biến động xấu sẽ có tác động trực tiếp làm suy giảm giá trị tài sản đảm bảo là cổ phiếu của DN và tài sản đảm bảo là dự án hình thành từ vốn vay, rủi ro này xảy ra đối với cả các khoản vay tín dụng và khoản phát hành trái phiếu.
Mặc dù, hiện nay dư nợ TPDN BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại, nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Do đó, khi thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, Bộ Tài chính đã thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành TPDN để báo cáo Chính phủ điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp tại cấp luật và nghị định.
Bộ Tài chính cũng thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình thị trường TPDN, cảnh báo nhà đầu tư và DN phát hành.
Để vừa phát triển thị trường TPDN, vừa khuyến khích DN BĐS huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách từ cấp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
"Trước mắt, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế nhằm quản lý hoạt động phát hành TPDN vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Riêng đối với lĩnh vực BĐS, Bộ Tài chính kiến nghị, rà soát, sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng kiến nghị, nghiên cứu bổ sung các quy định để nâng cao điều kiện về tài chính, hệ số an toàn về tài chính, tương tự quy định đối với DN trong một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, chứng khoán… khi cấp phép đối với DN BĐS, cấp phép dự án đầu tư BĐS đảm bảo DN BĐS phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho DN.
Sau hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành trong phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường TPDN và cấu phần TPDN BĐS.