Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho chủ trương chỉ đạo với tỉ lệ 1/5.000, đoạn 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Theo các chuyên gia, việc thông qua quy hoạch sẽ là cơ hội để phát huy tiềm năng, phát triển các tour du lịch đặc trưng trên sông Hồng.
Điểm nhấn trục sông Hồng
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ Hà Nội là đô thị đặc biệt và đang hướng tới trở thành một siêu đô thị.
Trong những năm qua, Hà Nội có sự phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, ngày càng khẳng định là động lực phát triển của vùng thủ đô, hạt nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực phía Bắc. Dù vậy, Hà Nội cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đan xen. Thách thức lớn nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị, tạo áp lực vô cùng lớn đối với giao thông, môi trường…
"Hà Nội cần tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với vùng thủ đô để tạo ra các đô thị vệ tinh, kết nối thông qua các tuyến đường vành đai. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh quy hoạch phát triển thủ đô cân đối, lấy trục sông Hồng làm điểm nhấn, trong đó chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng về phía Bắc sông Hồng để nơi đây trở thành động lực phát triển chính" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội đã hoàn thành 36/38 quy hoạch phân khu trong triển khai định hướng Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Quy hoạch dự kiến thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của TP, gắn với trục hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Từ đó sẽ hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch...
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ hướng ra sông, sông Hồng sẽ là trung tâm; hai bên là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, ở đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông. Trước đây, "Hà Nội quay lưng vào sông Hồng" nhưng với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được xem xét thì "Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển".
Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng để phát triển đồng bộ
Cần đồng bộ giải pháp
Sông Hồng chảy qua Hà Nội có vẻ đẹp tự nhiên, chưa bị phá vỡ bởi không gian sống ven bờ. Hiện sông Hồng vẫn giữ được vẻ bình yên để du khách có những khoảng tĩnh lặng ngắm nhìn trời mây, sóng nước. Dọc tuyến sông Hồng còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa để khách dừng chân tham quan, như: Cầu Long Biên, cầu Nhật Tân, làng gốm cổ truyền Bát Tràng cùng nhiều đình, chùa nổi tiếng…
Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp (DN) đầu tư các tour du lịch trên sông Hồng nhưng việc khai thác tour sông Hồng mới dừng ở mức nhỏ lẻ, chưa đầu tư bài bản. Ông Tạ Minh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thăng Long GTC - DN tổ chức khai thác tour du lịch sông Hồng, cho biết DN này đã mở các tour như: "Hành trình những bản tình ca" với lịch trình chùa Bồ Đề - cầu Chương Dương - cầu Long Biên - cầu Nhật Tân - cầu Thăng Long - đình Chèm; "Đêm sông Hồng", lịch trình chùa Bồ Đề - cầu Chương Dương - cầu Long Biên - cầu Nhật Tân... Những năm gần đây, DN còn mở rộng tour du lịch sông Hồng tới một số tỉnh lân cận, đã hợp tác với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên mở rộng tour sông Hồng tới các điểm du lịch như: Đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên), chùa Phật Tích, chùa Dâu (Bắc Ninh).
Trung bình mỗi năm, tuyến du lịch này chỉ thu hút vài trăm ngàn lượt khách. Trong đó, lượng khách quốc tế chiếm số ít, chủ yếu phục vụ khách đoàn kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, hầu như không có khách lẻ. Dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích chưa được đầu tư khai thác tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, vừa thiếu vừa yếu gây nhiều khó khăn… dẫn đến việc khó thu hút khách đi lại lần thứ hai.
Các chuyên gia du lịch đánh giá hiện tour du lịch sông Hồng mới chỉ phù hợp với du khách nội địa, nếu muốn thu hút khách quốc tế thì phải thay đổi rất nhiều, các dịch vụ, sản phẩm hay mỹ quan đô thị hai bên sông Hồng cũng phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn… Để phát triển du lịch sông Hồng thì một công ty du lịch khó làm được mà còn cần chính sách nhất quán của chính quyền địa phương. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì du lịch sông Hồng mới phát triển bền vững được.
Đại diện CLB Du lịch UNESCO nhận định du lịch sông Hồng là du lịch đường thủy, nên về lâu dài cơ quan quản lý cần quy hoạch luồng lạch cụ thể, những luồng lạch nào dành cho các tàu du lịch, tàu vận chuyển, đồng thời quy định về ngày, giờ tàu thuyền có thể đi lại, quy định về tải trọng, chủng loại tàu, biển báo vì liên quan đến vấn đề an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, DN khai thác tour sông Hồng cần nâng cấp dịch vụ trên tàu theo hướng bày bán các sản phẩm như đặc sản, đồ lưu niệm... của các vùng miền đồng bằng sông Hồng, qua đó tối ưu hóa lợi nhuận, giá trị gia tăng qua các dịch vụ.
Nên có buýt đường thủy
Khi thảo luận nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Bí thư huyện Thường Tín) đề xuất Hà Nội nên có buýt đường thủy nội địa để du khách đi tàu ngắm được thủ đô. Hà Nội hiện có các đường vành đai, đường hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị. TP Hà Nội nên quan tâm đến hình thức kết nối giữa các loại hình giao thông, kết hợp với đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân. Không nên tăng thêm nhiều xe buýt nữa, bởi tăng thêm là tắc.
"Phải đưa thêm loại hình mới vào, như vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt là phát triển du lịch hai bên bờ sông Hồng. Ở một số nước cũng có buýt đường thủy. Chúng ta cũng đang trong thời gian quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Cần quan tâm đến đường sát mép nước, làm sao nó đẹp, du khách đi trên tàu có thể ngắm được thủ đô. Sông Hồng còn đẹp hơn sông Sài Gòn nhiều" - ông Minh bày tỏ.