Trong đó, 3 dự án thực hiện đầu tư công đang bước vào giai đoạn đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị hoàn tất những thủ tục cuối cùng để khởi công xây dựng.
Đầu năm 2019, khởi công hai cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách
Được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hình thức đầu tư công, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang rốt ráo triển khai công tác lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật cho tuyến cao tốc dài 102km nối Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế. Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang tiến hành chấm thầu tư vấn, dự kiến trong tháng 12/2018 sẽ ký hợp đồng với tư vấn thiết kế kỹ thuật trúng thầu.
Sau khi được lựa chọn, đơn vị tư vấn sẽ tiến hành ngay việc khảo sát lập thiết kế kỹ thuật, cắm mốc và bàn giao cọc GPMB cho các địa phương thực hiện GPMB, tái định cư từ đầu quý I/2019. “Công tác cắm mốc GPMB sẽ được ưu tiên triển khai trước. Cùng với công tác lập thiết kế kỹ thuật, chúng tôi tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp cho dự án. Phấn đấu đến cuối quý I/2019, sẽ có mặt bằng từ chính quyền địa phương để lựa chọn một số gói thầu khởi công trước”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
|
Một dự án đầu tư công khác là Cao Bồ - Mai Sơn cũng đang tiến hành lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Ninh Bình (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đơn vị đã phát hành hồ sơ mời thầu tư vấn kỹ thuật từ ngày 31/10.
“Chúng tôi đang chuẩn bị mở thầu, dự kiến ngày 20/11 sẽ ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kỹ thuật”, ông Hùng nói và cho biết, sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, Sở GTVT Ninh Bình sẽ xây dựng hồ sơ mời thầu, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp để đầu năm 2019 khởi công xây dựng.
Đang triển khai hai dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - QL45, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long chia sẻ, đơn vị đã lập và trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán, cắm cọc GPMB cho cả hai công trình này. Dự kiến, đầu năm 2019, Ban QLDA Thăng Long sẽ ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật được lựa chọn.
“Thực hiện song hành với công tác lập thiết kế kỹ thuật, từ đầu năm 2019, chúng tôi tiến hành lập hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư để cuối năm tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cho hai dự án”, ông Lâm nói.
Chuẩn bị sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án PPP
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Quang Thái, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt xong toàn bộ báo cáo nghiên cứu khả thi của 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, hai dự án đầu tư công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đang tiến hành đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 12/2018, thời gian thực hiện lập thiết kế kỹ thuật khoảng 6 tháng.
“Riêng dự án đầu tư công còn lại (cầu Mỹ Thuận 2), công tác đấu thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật dự kiến tổ chức trong tháng 11/2018, tuy nhiên thời gian thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ kéo dài khoảng 9 tháng vì đây là công trình cầu dây văng quy mô lớn và có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp nên cần thời gian khảo sát nhiều hơn”, ông Thái nói và cho biết, đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP cũng sẽ được Bộ GTVT tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật trong tháng 11/2018, dự kiến ký hợp đồng tư vấn đầu tháng 1/2019, thời gian thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, dự toán khoảng 8 tháng.
Theo ông Thái, các dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) sẽ được triển khai xây dựng trước, bởi sau khi lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và được bàn giao mặt bằng, các dự án này tiến hành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp là triển khai thi công luôn. Cụ thể, hai dự án đầu tư công Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn dự kiến bắt đầu triển khai thi công trong quý I/2019, phần cầu dẫn cầu Mỹ Thuận 2 bắt đầu thi công trong quý II/2019, riêng phần cầu chính cầu Mỹ Thuận dự kiến thi công vào đầu năm 2020. Còn lại, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP thời điểm thi công sẽ chậm hơn các dự án đầu tư công do có thêm giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng theo ông Thái, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng mẫu hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư và đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, dự kiến đầu tháng 1/2019, bắt đầu sơ tuyển nhà đầu tư cho 8 dự án PPP. Đồng thời, hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành tuyển chọn tư vấn giao dịch, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng mẫu hồ sơ đấu thầu và rà soát phương án tài chính của các dự án PPP đảm bảo khả thi để tiến hành đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư.
“Dự kiến từ tháng 9/2019, Bộ GTVT sẽ triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP”, ông Thái nói và cho biết, các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam dự kiến bắt đầu triển khai thi công vào đầu năm 2020, cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương nơi có dự án đi qua về kế hoạch sử dụng đất dự kiến của các dự án để UBND các tỉnh cập nhật, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019.
Theo lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT, dự kiến, trong quý I/2019, Bộ GTVT sẽ bàn giao cọc GPMB cho các địa phương để thực hiện công tác GPMB, tái định cư các dự án.