Cụ thể, trong tháng 7, cả nước nhập khẩu hơn 480 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt gần 174 triệu USD. Kết quả này tăng 24,6% về sản lượng và tăng 26,9% về trị giá kim ngach so với tháng 6/2018.
Cập nhật hết tháng 7, cả nước nhập khẩu gần 3 triệu tấn sắt thép phế liệu, tổng trị giá kim ngạch đạt 1,055 tỷ USD, tăng 23,2% về sản lượng, 56,9% về trị giá kim ngạch so với cùng kỳ 2017.
Trước đó, mặt hàng sắt thép phế liệu có 3 tháng liên tiếp trong quý II bị sụt giảm về sản lượng (so với tháng liền kề trước đó). Trong đó, tháng 6 giảm 1%; tháng 5 giảm 0,8% và tháng 4 giảm 7,2%.
Các thị trường cung cấp sắt thép phế liệu chủ yếu về Việt Nam là: Nhật Bản 836.504 tấn, kim ngạch gần 311 triệu USD; Hoa Kỳ 519.672 tấn 186,3 triệu USD; Hồng Kông 341.243 tấn, gần 125 triệu USD…
Như vậy, số lượng nhập khẩu từ 3 thị trường trên đã lên đến gần 1,7 triệu tấn, chiếm khoảng 57% tổng sản lượng nhập khẩu của cả nước; tổng trị giá kim ngạch đạt 622,3 triệu USD, chiếm gần 59% tổng kim ngạch của cả nước.
Cơ cấu thị phần các thị trường nhập khẩu phế liệu sắt thép chủ yếu của Việt Nam tính hết tháng 7. Biểu đồ: T.Bình.
Được biết, trước thực trạng báo động về tồn đọng phế liệu ở các cảng biển quan trọng là TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng…, tháng 7 vừa qua Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4202/TCHQ-PC chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý không để lọt vào nội địa các lô rác thải, đồng thời thông quan nhanh cho các lô hàng đủ điều kiện.
Một trong những nội dung quan trọng trong Công văn 4202 là việc lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Kiểm định Hải quan tăng cường nhân lực, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và thông báo kết quả cho cộng đồng DN.
Đặc biệt, Cục Kiểm định Hải quan phải bố trí cán bộ kiểm định thường trực tại cửa khẩu để phối hợp thực hiện lấy mẫu, kiểm tra.
Từ đó giúp DN thông quan nhanh với những lô hàng nhập khẩu đủ điều kiện, không làm ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu, trường hợp có vi phạm cơ quan Hải quan sẽ xử lý nghiêm theo quy định.