Vận tải container bằng đường biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường thương mại điên tử xuyên biên giới đang bùng nổ tại khu vực Đông Nam Á. Theo chuyên gia logistics thương mại điện tử tại J&T Express, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy chi tiêu trực tuyến trong toàn khu vực, với ước tính thị trường đang trên đà đạt doanh số 153 tỷ USD vào năm 2025.
Dự báo này được công bố trong trường hợp sẽ không còn làn sóng dịch bệnh nào xảy ra nữa. Với lượng hàng hóa mua trực tuyến ngày càng tăng, J&T Express ước tính sẽ có nhiều hàng hóa được vận chuyển qua đường biển hơn trong thời gian tới.
Lý giải về điều này, ông Andrew Sim, Giám đốc điều hành của J&T Express Singapore cho biết: "Động thái này sẽ được thúc đẩy bởi người tiêu dùng với các loại hàng nặng hơn, áp lực buộc các thương gia phải giảm chi phí vận chuyển". Mới đây, Singapore quy định hàng hóa có giá trị thấp được mua trực tuyến và nhập khẩu bằng đường hàng không hoặc đường bưu điện sẽ phải chịu thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) từ 1/1/2023.
Tại Việt Nam, ngày 25/2, Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập tổ công tác kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển tăng cao bất thường vừa qua. Cụ thể, từ tháng 11/2020, các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải đã phản ánh về mức giá cước vận chuyển container xuất nhập khẩu tăng cao bất thường. Hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước từ 2 đến 10 lần (tùy theo chặng) so với trước đó.
Ông Andrew Sim nhấn mạnh: "Vận tải bằng đường biển đang dần tiến tới trở thành phương thức vận tải thống trị khu vực Đông Nam Á. Để thích nghi với làn sóng này, các quốc gia cần xem xét tích hợp giữa cơ sở hạ tầng, hệ thống và cơ sở vật chất, từ đó hỗ trợ quy trình bán lẻ, thương mại và logistics tốt hơn. Bởi vận tải đường biển là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử xuyên biên giới".
Trên thực tế, sự thiếu hụt container đang tác động đáng kể, đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới lên cao. "Song đây chỉ là ngắn hạn. Giai đoạn hậu Covid-19, khi vận chuyển hàng không trở lại trạng thái bình thường, áp lực đối với hàng hóa thông qua đường biển sẽ được giảm bớt", đại diện J&T Express nhận định.
Một số công ty giao nhận trong khu vực cũng chỉ ra sự gia tăng khối lượng chuyển sang vận tải đường bộ xuyên biên giới là do vận chuyển hàng hóa thông qua đường hàng không giảm. Tuy nhiên, ông Andrew Sim cho hay, đối với thương mại điện tử, việc sử dụng vận chuyển hàng hóa đường bộ khu vực châu Á bị hạn chế hơn so với châu Âu, bởi "các vấn đề về thủ tục hải quan giữa các quốc gia châu Á khác nhau".
"Mặc dù vậy, xu hướng vận tải đường bộ xuyên biên giới tại khu vực châu Á ngày càng tăng, đặc biệt với các quốc gia gần nhau, chẳng hạn như Malaysia và Singapore". Đáng chú ý, tháng 12/2020, Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) đã chính thức được triển khai, giúp giảm bớt các thách thức thương mại nội khối và cho phép các doanh nghiệp hưởng lợi đầy đủ từ việc vận chuyển hàng hóa tự do trong toàn khu vực.
Trước đó, ACTS được vận hành thử nghiệm tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Dự kiến, hệ thống sẽ sớm được triển khai tại Myanmar và có thể được mở rộng sang Brunei, Indonesia và Philippines tùy thuộc nhu cầu kinh doanh.