Trong khi thị trường cơ sở sôi động với thanh khoản tăng liên tục theo ngày, thanh khoản trên thị trường phái sinh giảm nhẹ trong thời gian gần đây.Nhiều ý kiến cho rằng biểu phí này của Bộ Tài chính gây ảnh hưởng đến sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) vào thị trường phái sinh.
"Chùn bước" nhà đầu tư nhỏ
Theo Thông tư 127, có 3 loại phí mới sẽ được áp dụng cho thị trường phái sinh, trong đó có phí giao dịch 3.000 đồng/HĐTL cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và 2 loại phí cho Trung Tâm lưu ký Chứng khoán (VSD).
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ phải trả cho VSD phí quản lý vị thế 3.000 đồng với mỗi HĐTL không đóng vị thế trong ngày. Đồng thời, nhà đầu tư cũng sẽ trả VSD tối thiếu 400.000 đồng và tối đa 2 triệu đồng phí quản lý tài sản ký quỹ mỗi tháng. Khoản này sẽ được tính dựa theo số ngày lũy kế nhà đầu tư để tiền trên VSD. Với 2 khoản phí của VSD, những nhà đầu tư ‘qua ngày’ sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Để tránh phí này, nhà đầu tư sẽ phải đóng vị thế trong ngày và rút tiền từ VSD về tài khoản chứng khoán. Khi đó, NĐT sẽ tốn 5.000 - 5.500 đồng (tùy công ty chứng khoán) cho phí nạp/rút tiền.
Lấy ví dụ một nhà đầu tư mua 1 HĐTL VN30F1903 vào phiên 21/2 ở giá 925. NĐT sẽ cần khoản tiền là 18,5 triệu đồng (NAV). Ngoại trừ khoản phí trả cho công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ trả thêm 3.000 đồng/HĐTL cho HNX. Nếu không đóng vị thế trong ngày và rút tiền khỏi VSD, nhà đầu tư sẽ trả thêm 3.000 đồng phí quản lý vị thế và 400.000 đồng phí quản lý tài sản ký quỹ.
Như vậy, trong 1 lần giao dịch qua ngày, nhà đầu tư sẽ tốn khoản phí tương đương 2% tổng số tiền bỏ ra. Nếu tính trong 1 năm, nhà đầu tư sẽ tốn ít nhất 4,8 triệu đồng cho khoản phí quản lý vị thế, tương đương 26% NAV và tối đa 24 triệu đồng.
Với các nhà đầu tư có tài sản lớn, khối lượng giao dịch cao và thường xuyên, phí này có thể sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng, nhưng đây sẽ là chi phí không nhỏ đối với nhà đầu tư có tài sản ròng bé.
"Phí giữ tiền" là vô lí?
Một nhà đầu tư trên thị trường phái sinh ví von cho rằng việc VSD thu phí quản lý tài sản ký quỹ giống như "phí trông xe". Dù có "đi xe máy" (nhà đầu tư nhỏ) hay "đi ô tô" (nhà đầu tư lớn), khi vào "sòng" (giữ trạng thái qua đêm) là bị mất phí. Nếu chia trung bình 400.000 đồng (phí tối thiểu) cho 22 phiên giao dịch, mỗi ngày nhà đầu tư nhỏ mất khoảng gần 20.000 đồng và nhà đầu tư lớn mất hơn 90.000 đồng/phiên. Theo nhà đầu tư này, với biên độ giao dịch lớn của thị trường phái sinh như hiện nay, mức phí mới có thể được tính thêm như một phần margin của cơ quan quản lý để kiểm soát mức độ giao dịch của nhà đầu tư, ở một góc độ nào đó là cần thiết. Tuy nhiên ở một ý kiến khác cho rằng nhà đầu tư ký quỹ tiền tại VSD trong khi vẫn bị mất phí, điều này là vô lí và dẫn tới các nhà đầu tư sẽ giao dịch trong ngày nhiều hơn, rút tiền về ngay mà không giữ trạng thái qua đêm (OI).
Quá sớm để Nhà nước thu phí với phái sinh?
Trả lời phỏng vấn NDH liên quan đến biểu phí phái sinh mới của Thông tư 127, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng ở thời điểm thị trường phái sinh ra đời mới chỉ 2 năm, cơ quan quản lý đã áp nhiều loại phí như vậy là sớm. “Thậm chí sau 5 năm có thể vẫn là hơi sớm”, ông Đức nêu quan điểm.
Theo ông Đức, khoản phí mới có thể sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ cân nhắc tham gia vào phái sinh và ảnh hưởng sự phát triển của thị trường. Nhiều nhà đầu tư phản ánh mức phí này tương đối cao, có thể lên tới 24 triệu đồng/năm (phí quản lý tài sản ký quỹ cho VSD).
Ông Đức cho rằng nên để phái sinh phát triển tự nhiên chưa vội thu phí, dành thị trường cho các CTCK cạnh tranh và nhà đầu tư.
Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đang miễn phí giao dịch phái sinh (có thể kèm điều kiện nhất định) để thu hút nhà đầu tư mở tài khoản và tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn kết hợp với bên thứ ba nhằm cho nhà đầu tư vay tiền để giao dịch, giảm tỷ lệ ký quỹ.
Trong bối cảnh này, việc thực hiện áp phí của cơ quan quản lý là hướng đi ngược với những hành động của các thành viên thị trường. Theo chia sẻ của một môi giới chứng khoán, một số nhà đầu tư giao dịch phái sinh thường xuyên đã gửi kiến nghị đề xuất giảm phí giao dịch phái sinh đối với khách hàng sau khi biểu phí mới được áp dụng.
Nhìn lại kinh nghiệm phát triển thị trường phái sinh từ Hàn Quốc, nước này đã có những chính sách ưu đãi về thị trường phái sinh. Sau khi thành lập năm 1996, Hàn Quốc đã miễn thuế giao dịch, thuế giao dịch (transaction tax) cũng như thuế thu nhập (capital gains tax) trong 10 năm, nhờ đó trở thành một trong những thị trường phái sinh phát triển thành công nhất thế giới. Tương tự, Thái Lan cũng là nước có những ưu đãi với giao dịch phái sinh khi không đánh thuế chuyển nhượng/giao dịch HĐTL với các nhà đầu tư cá nhân.
Bài tiếp: Cơ quan quản lý nói gì về phí phái sinh mới?