Theo thỏa thuận, Tổ chức Tài chính Quốc tế và Quỹ châu Á Mới nổi thuộc IFC sẽ đầu tư 52 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) dưới hình thức cổ phần phổ thông vào Tập đoàn Mavin. Mục đích chính của IFC nhằm giúp khắc phục hậu quả của dịch tả heo châu Phi (ASF) đối với ngành chăn nuôi heo khu vực châu Á.
Một trong những mục tiêu của lần hợp tác này là phát triển hoạt động chăn nuôi heo bền vững. Mavin đang tiếp cận việc chăn nuôi heo bền vững ở Việt Nam như thế nào?
Tôi nghĩ việc nuôi heo bền vững ở Việt Nam ngoài sự phát triển bền vững lâu dài, còn cần vì lợi ích của cộng đồng. Chúng tôi luôn luôn mời gọi sự tham gia trực tiếp của cộng đồng địa phương vào toàn bộ hoạt động nuôi trồng, đặc biệt những hoạt động phát triển nguyên vật liệu nuôi heo, cũng như cùng hợp tác để đưa thành phẩm ra thị trường.
Sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương vào dự án này, bao gồm cả những cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng người nghèo, chính là một cách tiếp cận chăn nuôi bền vững. Vì vậy, tôi nghĩ sự phát triển bền vững lâu dài không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn phải vì lợi ích chung của cộng đồng.
Theo ông, điểm yếu của ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam là gì?
Tôi thấy điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi heo Việt Nam chính là chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, truyền thống của các gia đình. Họ học hỏi việc chăn nuôi từ ông bà, cha mẹ nên không tiếp cận tri thức từ bên ngoài.
Cũng vì vậy, họ sẽ không biết cách phòng chống, xử lý dịch bệnh và những tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu về an toàn thực phẩm hay an toàn sinh học. Đó là lý do vì sao khi xảy ra khủng hoảng về dịch bệnh hay thị trường, chuỗi chăn nuôi lại bị đứt gãy.
Khi có công ty lớn tham gia vào ngành chăn nuôi với quy mô lớn hơn sẽ mang lại sản phẩm có chất lượng tốt hơn đồng thời, dễ dàng khống chế dịch bệnh, vận hành cơ sở nuôi và xử lý cả chất thải tốt hơn.
Việc có thêm những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung sẽ mang lại ích lợi gì?
Như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phát biểu, bản thân Chính phủ Việt Nam muốn phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô lớn hơn, mang tính công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này sẽ tạo ra được nhiều việc làm, tiếp cận được những tiêu chuẩn quốc tế về chăn nuôi và phúc lợi động vật.
Hơn nữa, khi chuyển đổi sang mô hình nuôi heo theo quy mô lớn, mang tính công nghiệp, phúc lợi động vật cũng được nâng cao. Điều này đồng nghĩa với việc thành phẩm sẽ có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, vấn đề chất thải ra môi trường cũng sẽ được xử lý tốt hơn.
Đâu là khó khăn lớn nhất đối với Mavin cũng như ngành nuôi heo Việt Nam trong giai đoạn Covid-19?
Theo tôi, mọi thứ khác đều rất ổn định, chỉ có logistics là khó khăn vì tính chất đặc thù của sản phẩm. Thực phẩm cần được đưa tới tay người tiêu dùng nhanh nhất có thể nên thời gian vận chuyển rất quan trọng.
Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra giải pháp là rút ngắn chuỗi cung ứng. Chúng tôi cố gắng rút ngắn quãng đường để đưa sản phẩm tới thị trường nhanh nhất có thể thay vì chuỗi cung ứng dài trước kia.
Ký kết hợp tác đầu tư chăn nuôi heo hiện đại tại Việt Nam chiều 12/5.
Mục tiêu của Tập đoàn Mavin khi ký kết thỏa thuận với IFC là gì?
Mối quan hệ hợp tác chiến lược lần này có 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, Mavin muốn mở rộng công suất nuôi trồng chăn nuôi theo hướng hiện đại và khép kín ở Việt Nam. Để làm được điều này, chúng tôi cần có thêm vốn tài trợ và IFC sẵn sàng đầu tư, cung cấp vốn cho các dự án lớn của chúng tôi ở các tỉnh thành.
Ngoài ra, chúng tôi còn muốn thông qua mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài này để tiếp cận được những tập quán, tiêu chuẩn tốt nhất trên thị trường toàn cầu về chăn nuôi, cũng như phúc lợi của động vật. IFC sẽ mang lại cho chúng tôi những kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thấp nhất vì IFC là một tổ chức có kinh nghiệm tuyệt vời liên quan đến lĩnh vực này.
Từ đó, chúng tôi có thể trở thành doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở Việt Nam.
Để sự hợp tác phát huy hết hiệu quả, Tập đoàn Mavin đã có những chiến lược như thế nào trong thời gian tới?
Chúng tôi đã cùng IFC ký kết những dự án để phát triển các cơ sở chăn nuôi theo chuỗi và mô hình hiện đại ở một số tỉnh thành trọng yếu ở Việt Nam. Chắc chắn điều này sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng ở các địa phương này, từ việc tạo công ăn việc làm đến việc giúp người nông dân và nền nông nghiệp ở đây tiếp cận với những tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.
Thông qua nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi và nông nghiệp Việt Nam, tiếp cận với thế giới. Khi Mavin đã đi đầu trên thị trường Việt Nam về những tiêu chuẩn này thì chắc chắn những doanh nghiệp khác cũng có áp lực áp dụng những tiêu chuẩn, tập quán chăn nuôi mới cũng như vấn đề về nhân đạo động vật. Vì vậy, tập quán chăn nuôi của nền nông nghiệp Việt Nam cũng được cải thiện lên một tầm cao mới.
Việc hợp tác với IFC tại Việt Nam mang lại cho ông kỳ vọng gì đối với Tập đoàn Mavin trong tương lai?
Trước đây, tôi đã nghĩ rằng mơ ước của Mavin khó thành hiện thực vì chúng tôi xuất phát là một doanh nghiệp nhỏ lẻ chế biến thức ăn ở Hưng Yên, nguồn vốn còn hạn chế, công nghệ lúc bây giờ cũng chưa được tốt, số lượng nhân công không nhiều.
Mục tiêu của chúng tôi là phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín, chuỗi giá trị "Từ nông trại đến bàn ăn" của chúng tôi gần như không thể thực hiện được vì nguồn lực hạn chế. Sau 18 năm nỗ lực với sự giúp đỡ của nhiều bên, đặc biệt bây giờ có sự hợp tác chiến lược của IFC, chúng tôi tin tưởng giấc mơ của mình sẽ thành hiện thực.
Trong tương lai, chúng tôi hy vọng có thể phát triển mô hình chăn nuôi heo theo đàn lớn và theo chuỗi cung ứng khép kín "Từ nông trại đến bàn ăn", tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, trở thành một tập đoàn dẫn đầu không chỉ trong ngành nuôi heo mà ở cả ngành nông nghiệp Việt Nam.