Báo cáo e-Conomy SEA 2018 được thực hiện giữa Temasek (Singapore) và Google đánh giá mảng kinh tế số của Việt Nam như "con rồng chuyển mình". Kinh tế Internet của đất nước hơn 90 triệu dân đã tăng trưởng 38% giai đoạn 2015 – 2018, đạt quy mô 9 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là thương mại điện tử gần như tăng gấp đôi so với năm 2017.
Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam tuy vẫn xếp sau Indonesia về quy mô thị trường, nhưng đã vượt qua Thái Lan. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm kể từ 2015 được dự báo sẽ là 43%, đưa Việt Nam trở thành đất nước có ngành thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Còn báo cáo Thương mại điện tử và kinh tế số phát hành cuối tháng 9/2018 cho biết doanh thu thương mại điện tử trong năm 2017 của Việt Nam đã đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù thị trường là rất hấp dẫn với mức tăng trưởng luôn trên hai con số nhưng thực tế đây cũng là một cuộc đua tốn kém, khốc liệt của các doanh nghiệp với nhiều cản trở. Điều này khiến cho không ít doanh nghiệp nhanh chóng bị khai tử.
Vừa qua, trang thương mại điện tử VuiVui.com của Thế Giới Di Động thông báo từ 18h ngày 27/11, trang này sẽ chuyển thành Bachhoaxanh.com. Đồng thời, VuiVui.com cũng tự động chuyển sang tên miền Bachhoaxanh.com.
Như vậy, Thế Giới Di Động đã chính thức dừng hoạt động thương mại điện tử mới được 2 năm tuổi này, khép lại tham vọng lấn sân sang lĩnh vực số dù trước đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động rất tự tin trang bán lẻ điện tử này có thể vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
VuiVui.com không phải là trang thương mại đầu tiên đóng cửa tại Việt Nam. Đầu tháng 8/2016, trang thương mại điện tử Lingo.vn đột ngột khai tử kéo theo hàng loạt rắc rối sau đó.
1 tháng sau "cái chết" của trang, nhiều nhân viên đã viết tâm thư "tố" nhà đầu tư coi người lao động "như cỏ rác". Theo đó, nhà đầu tư đã thông báo giải thể cho nhân viên vài tiếng đồng hồ trước khi cho nghỉ việc toàn bộ vào chiều cùng ngày. Ngay cả TGĐ Lingo lúc bấy giờ là ông Kyle Phạm An Tuấn cũng chỉ biết được sự việc trước 5 ngày. Ngoài vấn đề đột ngột giải thể, Lingo còn bị tố là không trả tiền lương và nợ BHXH của nhân viên.
Hay trong năm 2015, thị trường thương mại lần lượt chứng kiến những cái chết của Cucre (khoảng tháng 4 – 5) Beyeu (5/11) với lời nhắn nhủ tâm huyết của chủ website: :"Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng"; Trang Deca của CTCP Trực tuyến 24H (31/12) sau 1 năm hoạt động…
Và giống như những lời sau cuối của trang Beyeu, thị trường thương mại điện tử tiếp tục khẳng định là cuộc đua đốt tiền giữa các doanh nghiệp đang tồn tại. Các tay chơi lớn như Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo đều đang được chống lưng bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hoặc tập đoàn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, tính đến cuối năm 2017, Tiki đã có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng, tức tiêu hết sạch 400 tỷ đồng VNG rót vào hồi năm 2016. Nhưng trang này vẫn tiếp tục được JD.com và nhiều nhà đầu tư khác rót thêm khoảng 50 triệu USD.
Hay như Lazada cũng đang chịu lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Với việc các đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt, nhiều khả năng mức lỗ của năm 2017 cũng trên nghìn tỷ, dẫn đến lỗ lũy kế cuối năm 2017 có thể lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tich Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết dù thị trường nhiều tiềm năng với lượng người kết nối Internet rất cao nhưng họ vẫn còn nhiều e dè trong việc mua sắm trực tuyến. Thông thường, khoản tiền dành cho mua sắm online chỉ vào khoảng dưới 1 triệu đồng. Vấn đề được ông Hưng chỉ là là câu chuyện niềm tin.
Ông Hưng là thói quen thanh toán trực tiếp thay vì trực tuyến cũng đang tác động đến lĩnh vực thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, logistics cũng là một rào cản cho phát triển thương mại điện tử khiến cho chi phí bị đội lên rất nhiều cũng như việc phát triển lĩnh vực này đến các vùng sâu, vùng xa.