Theo Điều tra lao động việc làm năm 2019 Tổng cục Thống kê mới công bố gần đây, cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, tình trạng thất nghiệp thường cao hơn hẳn ở khu vực thành thị, trong khi vấn đề thiếu việc làm lại là phổ biến ở khu vực nông thôn.
Chính vì vậy, các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và các nhà dùng tin khác.
Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của Việt Nam là 2,17%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao gần gấp 2 lần khu vực nông thôn (3,11% so với 1,69%). Mức độ thất nghiệp của nữ cao hơn của nam 0,17 điểm phần trăm (2,26% và 2,09%).
So sánh giữa các vùng kinh tế - xã hội, Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất (2,90%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,47%) và Đông Nam Bộ (2,45%). Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về 2 khu vực - Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (tương ứng là 1,29% và 1,37%). Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với Hà Nội (2,82% so với 1,78%).
Quan sát theo nhóm tuổi cho thấy mức độ thất nghiệp có xu hướng giảm dần khi tuổi tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm 15-19 tuổi (7,62%), tiếp đến là nhóm 20-24 tuổi (6,0%). Xu hướng này cũng đúng đối với cả khu vực thành thị và nông thôn.
Phân tổ tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ cho thấy nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là (3,79% và 2,87%) và những người có trình độ sơ cấp nghề và chưa từng đi học có tỷ lệ thấp nhất (1,08% và 1,53%).
Điều này phần nào phản ánh chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao - Tổng cục Thống kê nhận định.