Tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thẳng thắn chia sẻ về số vốn năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công "khủng" nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, số vốn được giao là hơn 94 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ GTVT đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công , ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng giao trong duy trì ổn định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, tính chất quan trọng được đầu tư và đưa vào khai thác, tạo tính kết nối, lan tỏa lớn.
Theo ông Thìn, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao".
Bộ GTVT cũng đã điều chuyển kịp thời vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn; cá thể hóa trách nhiệm từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán; yêu cầu các nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nguồn lực thi công 3 ca, 4 kíp....
"Ngoài các lợi ích trực tiếp khi dự án giao thông được đưa vào khai thác, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho các dự án cũng có vai trò rất lớn trong việc tăng trưởng kinh tế", ông Thìn chia sẻ.
Ông Thìn cho biết, giải ngân tốt thì sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, tạo ra việc làm, mở ra không gian mới như khu công nghiệp, khu dịch vụ... tăng cường kết nối địa phương, vùng, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Cũng theo ông Thìn chia sẻ, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.
Trong năm 2023, ngành GTVT đã có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần.
Cùng với đó, khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất....
Đồng thời, hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km", bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Cũng theo Nghị quyết giao ngành giao thông vận tải: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc , liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao...