Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin về việc thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh tập trung kinh tế giữa GrabTaxi và Uber Việt Nam.
Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-HĐCT của Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đã nghiên cứu hồ sơ và tiến hành nhiều phiên làm việc để các bên liên quan có thể trình bày quan điểm về những vấn đề pháp lý cũng như thực tiễn.
"Xét thấy có một số tình tiết mới phát sinh từ các thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp, căn cứ quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Chủ tọa Phiên điều trần Phan Chí Hiếu đã thay mặt Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh ký Quyết định số 08/QĐ-HĐCT ngày 01 tháng 02 năm 2019 về việc trả hồ sơ để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trong vụ việc", Bộ Công Thương cho hay.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có thời hạn là 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định số 08/QĐ-HĐCT để tiến hành các trình tự liên quan tới việc điều tra bổ sung.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh đã ký Quyết định số 01/QĐ-HĐCT ngày 1/1/2019 về việc thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Theo Quyết định số 01/QĐ-HĐCT, Chủ tọa phiên điều trần là ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Các thành viên khác bao gồm ông Trần Mai Hiến, bà Trịnh Thị Hằng Nga, ông Ngô Hữu Lợi và ông Phạm Văn Khánh. Thư ký phiên điều trần là bà Trần Thị Mai Hương, Phó chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh và ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.
Ngoài Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam, trong vụ việc này còn có 6 doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ tiến hành các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công Thương, vụ việc Grab mua lại Uber có hai dấu hiệu vi phạm:
Một là, hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh.
Hai là, hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 26/3/2018, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện. Cục đã thông báo cụ thể tới Grab các thông tin này để Grab cân nhắc.