Chiều ngày 06/3/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) Tp.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank).
Tại phiên tòa, đại diện VietinBank cho biết toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng thông qua 14 nhân viên Navibank gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè, gửi bằng hợp đồng giả và không có sự ký kết nào với VietinBank.
Cụ thể, vị đại diện cho biết, đầu tiên 14 nhân viên này ký 14 hợp đồng, nhưng thực tế chỉ có 500 tỷ đồng. Sau khi tiền gửi vào tài khoản đã bị bị cáo Như chiếm đoạt bằng những hợp đồng gối nhau để cho bị cáo Như tất toán. Tức cứ tất toán xong hợp đồng này thì Navibank lại để nhân viên gửi tiếp hợp đồng thứ hai. Theo đó, tiền vào tiền ra liên tục với nhau, như vậy tổng khoản tiền 1.500 tỷ đồng vừa gửi đã bị bị cáo Như chiếm đoạt toàn bộ.
Quang cảnh phiên tòa NaviBank ngày 06/03/2018.
Tiếp tục chất vấn đại diện VietinBank, luật sư yêu cầu vị này xác định nguồn tiền chuyển vào tài khoản của nhân viên Navibank là nguồn tiền nào, bị cáo Như đã điều chuyển tiền từ nhiều tổ chức cá nhân khác chuyển vào tài khoản của nhân viên Navibank như thế nào.
Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã ngắt lời và đề nghị luật sư dừng đặt câu hỏi với đại diện VietinBank về tổng giao dịch 1.500 tỷ đồng. Bởi, trước đó đại diện VietinBank đã trả lời là không hề có hoạt động huy động tiền gửi của VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Tp.HCM đối với nhân viên Navibank cũng như với Navibank.
Bổ sung liên quan vấn đề này, đại diện VietinBank cho biết thêm các khoản tiền chuyển vào tài khoản của nhân viên Navibank tại VietinBank chi nhánh Tp.HCM là tài khoản thanh toán, do vậy VietinBank không có quyền sử dụng và định đoạt số tiền đó trên tài khoản của khách hàng.
Còn theo đại diện Navibank, ngân hàng Navibank cho vay bằng tài sản bảo đảm là hợp đồng cầm cố do Vietibank phát hành. Khi Navibank giải ngân cho các nhân viên vay không yêu cầu phong toả tài khoản tiền gửi, mục đích là để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng tín dụng. Navibank đã chuyển tiền, tất toán toàn bộ khoản vay thể hiện trên hồ sơ.
Huyền Như không trả lời hoặc nói không nhớ
Trong phần trả lời của Huyền Như, luật sư đã hỏi bị cáo Như chuyển tiền từ tài khoản thanh toán hay tài khoản tiết kiệm. Không trả lời lại, bị cáo như cho biết đã khai báo với cơ quan điều tra.
Được biết, trước đó trong phiên tòa ngày 01/03/2018, bị cáo Như Bị đã khai báo dùng phương thức: (1) một là dùng lệnh chi do chính bị án lập, giả hồ sơ tài khoản các cá nhân; (2) hai là dùng thẻ tiết kiệm để vay rồi rút tiền; nhằm mục đích trả nợ cho các khoản vay trước đó của bị án.
Đồng thời, trả lời câu hỏi của các luật sư liên quan đến việc chiếm đoạt 200 tỷ đồng, bị cáo Như trả lời không nhớ. Trước đó, số tiền 200 tỷ đã được bản án có hiệu lực xác định chiếm đoạt từ đâu.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.
Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010-27/05/2011, dưới sự chủ trì của Lê Quang Trí (lúc này là Tổng Giám đốc Navibank), các thành viên Hội đồng Tín dụng của Navibank đã chấp thuận chủ trương để các nhân viên của ngân hàng này đứng tên 47 hợp đồng, vay hơn 1.500 tỷ đồng của Navibank. Sau đó, các hợp đồng trên được gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Tp.HCM, để hưởng lãi suất cao theo thỏa thuận của Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) là từ 16,5-22,5%/năm.
Tháng 05/2011, 10 bị can trên đã làm hợp đồng tín dụng cho nhân viên vay tiền, thực hiện giải ngân, làm hợp đồng tiền gửi tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Hai tháng sau, VietinBank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán. Số tiền này được gửi tiếp vào Vietinbank chi nhánh Tp.HCM bằng 18 hợp đồng.
Đến ngày 07/09/2011, Vietinbank chi nhánh Tp.HCM đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng còn lại đã bị Huyền Như chiếm đoạt.