Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm thời gian gần đây.
Cập nhật ngày 1/12, loại gạo 5% của Gạo Việt Nam có giá 415 USD/tấn, của Thái Lan giá 381 USD/tấn (-2 USD/tấn so với ngày 30/11), của Ấn Độ giá 348 USD/tấn; Gạo 25% của Việt Nam giá 393 USD/tấn, của Thái Lan giá 372 USD/tấn (-2 USD/tấn so với ngày 30/11), của Ấn Độ giá 323 USD/tấn.
"Động thái làm giảm nhiệt thị trường "
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex group cho biết, Philippines tuyên bố tạm dừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam gần đây là việc bình thường, vì cứ vài lần trong năm họ cứ tạm dừng xong sau một thời gian lại mở ra nhập lại.
Mỗi khi dừng đột ngột như vậy những doanh nghiệp nào hết hạn mức nhập khẩu gạo Chính phủ Philippines sẽ không cấp mới, nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp xin được hạn mức nhiều nhưng chưa sử dụng hết thì sẽ tiếp tục nhập khẩu.
Philippines là một đất nước có nhiều đảo và hàng năm hứng chịu bão lũ nặng nề nên nước này phải trông cậy vào các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ để cung cấp nguồn gạo ổn định cho họ. Ông Đỗ Hà Nam
“Mỗi năm vài ba lần, Philippines tuyên bố dừng nhập khẩu sau đó lại tiếp tục nhập khẩu trở lại. Động thái này nhằm làm giảm nhiệt thị trường và tạo cân đối mặt bằng giá gạo trong nước, vì họ biết rằng vào cuối năm nguồn cung gạo của Việt Nam đã cạn nếu vẫn tiếp tục mua vào rất dễ gây ra sốt giá gạo. Đây là nguyên tắc điều hành của đất nước cho nên doanh nghiệp nào xuất khẩu vào thị trường Philippines phải hết sức chú ý, vì động thái tạm dừng nhập khẩu của Philippines ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Philippines là một đất nước có nhiều đảo và hàng năm hứng chịu bão lũ nặng nề nên nước này phải trông cậy vào các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ để cung cấp nguồn gạo ổn định cho họ.
Trong đó Việt Nam là nước có nhiều lợi thế hơn như năng lực giao hàng của doanh nghiệp Việt Nam cao, đường vận chuyển gần nên giá cước rẻ và thời gian giao hàng ngắn so với Thái Lan và Ấn Độ”, Phó chủ tịch VFA khuyến cáo.
Đồng quan điểm với Phó chủ tịch VFA, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng cho biết, Philippines đang vào vụ thu hoạch lúa và để kiểm kê khối lượng gạo trong nước nên họ dừng nhập khẩu gạo. Vấn đề này không có gì mới.
Hiện vụ Thu Đông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã qua còn vụ Đông Xuân sớm chưa tới nên Philippines có dừng nhập khẩu gạo cũng không ảnh hưởng gì đến người nông dân. Song động thái trên đã làm cho giá gạo trong nước giảm từ 200-300 đồng/kg, tương đương 15 - 20 USD/tấn.
“Trước sau gì Philippines cũng phải mua gạo nhưng mua nhanh hay chậm thôi nếu không mua thì người dân lấy gạo đâu để tiêu dùng, vì sản xuất trong nước không đủ cho nhu cầu. Philippines là thị trường truyền thống của Việt Nam bên cạnh lợi thế về năng lực giao hàng của doanh nghiệp thì Việt Nam còn có lợi thế về địa lý, gạo đi từ cảng TP.HCM đến cảng Philippines rất nhanh, Thái Lan và Ấn Độ không thể sánh kịp”, Giám đốc Việt Hưng nhận định.
Trước đó, ngày 24/11, Reuters dẫn lời của ba thương nhân gạo và một quan chức ngành nông nghiệp cho biết, Philippines - một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới đồng thời là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu đang thực hiện các bước để tạm thời hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Việt Nam trong bối cảnh một vụ thu hoạch lớn trong nước.
Các thương nhân cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp Philippines đã đình chỉ việc cấp giấy thông quan vệ sinh và kiểm dịch động thực vật nhập khẩu cho các lô hàng gạo từ Việt Nam.
Người phát ngôn của Nộ Nông nghiệp Philippines xác nhận rằng họ đang quản lý việc cấp Giấy phép nhập khẩu vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPSIC) phù hợp với nhu cầu.
Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu số 1 của gạo Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt kim ngạch cao nhất, với triệu 2,09 triệu tấn, tương đương gần 1,07 tỷ USD, giá trung bình 510,9 USD/tấn, tăng 12,5% về lượng, tăng 23% về kim ngạch và tăng 9,5% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trước sau gì Philippines cũng phải mua gạo nhưng mua nhanh hay chậm thôi nếu không mua thì người dân lấy gạo đâu để tiêu dùng, vì sản xuất trong nước không đủ cho nhu cầu.Ông Nguyễn Văn Đôn
Riêng tháng 10/2021, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 275.386 tấn, tương đương 137,13 triệu USD, giá trung bình 498 USD/tấn, giảm 2,8% về lượng, giảm 0,7% về kim ngạch nhưng tăng 2,2% về giá so với tháng 9/2021. So với tháng 10/2020 thì tăng mạnh 435% về lượng, tăng 444% kim ngạch, giá tăng 1,7%.
Giám đốc công ty Việt Hưng cho biết thêm, thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc. Năm 2021, lượng quota mà nước này dành để nhập khẩu gạo từ Việt Nam là 1 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Để phục vụ cho Tết Nguyên đán sắp tới, thời gian gần đây Trung Quốc ngừng mua gạo và đang đẩy mạnh nhập khẩu nếp. Hiện nay giá nếp sản xuất tại Long An xuất bán vào Trung Quốc giá 460 USD/tấn, nếp sản xuất tại An Giang giá 475 USD/tấn. Mức giá này vẫn còn thấp so với các năm trước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay tăng mạnh 40,5% về lượng, tăng 21,2% về kim ngạch nhưng giảm 13,8% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 924.030 tấn, tương đương 459,85 triệu USD, giá trung bình 497,7 USD/tấn; chiếm 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.