Phạt để răn đe chứ không phải để "tán gia bại sản"
Tình trạng thao túng, làm giá, lũng đoạn giao dịch trên thị trường hàng ngày là nỗi bức xúc lớn trong cộng đồng đầu tư.... Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được trình lên Quốc hội sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?
Thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nó là căn bệnh của tất cả các quốc gia khi bắt đầu có thị trường chứng khoán hay thậm chí là ở cả những thị trường chứng khoán được xây dựng hoàn chỉnh. George Soros là một điển hình thao túng thị trường, không chỉ chứng khoán mà còn cả tiền tệ.
Qua quá trình vận hành, chúng ta thấy những bất cập với thị trường và sửa chữa, xử lý chúng. Một thời, chúng ta giữ bí mật về nguồn tiền trong thị trường chứng khoán và không truy tận gốc nguồn tiền nhà đầ tư sử dụng để mua cổ phiếu. Vì vậy, chúng ta gặp tình trạng người ta lấy tiền của ngân hàng này mang ra góp vốn, sở hữu chéo với ngân hàng kia. Nó khiến vốn thực vào nền kinh tế chỉ một đồng nhưng nhân hệ số ảo, làm cho nguồn lực nền kinh tế thất thoát. Việc phân phối lại nguồn lực của nền kinh tế dựa trên số liệu ảo sẽ khiến không đạt được yêu cầu phát triển.
Mức phạt được nêu ra trong dự án luật có đủ sức răn đe các hành động thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián…?
Không thể nói mức phạt như thế nào là đủ. Điều quan nhất là không cho những người có những hành động như thế tham gia thị trường. Chúng ta đang làm theo hướng ấy. Việc cấm tham gia thị trường mới là mức phạt mà với tư cách là một người làm nghiên cứu, tôi cho là kinh khủng nhất.
Nó cũng giống việc một cầu thủ đá bóng, mang hy vọng có thể kiếm được rất nhiều tiền và lên hạng cao nhất dành cho cầu thủ, bị treo giò vĩnh viễn. Bị cấm chơi đá bóng, anh sẽ kiếm tiền bằng cái gì? Đấy mới là mức phạt lớn nhất. Phạt bao giờ cũng có tính chất là răn đe chứ phải để khiến người ta khuynh gia bại sản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Linh Anh
Liệu dự thảo luật mới có thể biến "chơi chứng khoán" thành "đầu tư chứng khoán"?
Việc này cần xuất phát từ hai phía. Thứ nhất, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên thị trường phải cần vốn thật chứ không phải tạo vốn giả. Để có vốn thật, số lượng người lên sàn chứng khoán phải nhiều hơn, số lượng các doanh nghiệp, các cổ phiếu trên sàn phải đa dạng hơn, các hình thức huy động vốn phải phong phú hơn. Khi đó, người ta sẽ nhận thấy không thể "lướt" chứng khoán.
Bây giờ, người ta vẫn "lướt" theo cách nói lịch sự là lý thuyết thác lũ điện tử còn nói thô là tâm lý bầy đàn. Khi thấy một người lên sàn và có lợi nhuận, rất nhiều người khác sẽ xúm vào và mua cổ phiếu ấy để nó lên dù thực chất, cổ phiếu ấy không thể xanh như vậy.
Khi rất nhiều người đổ tiền vào, họ tạo ra một lãi suất kỳ vọng. Sau khi tất cả đổ tiền vào, một nhóm người nào đó "đánh" con ấy lên rồi rút vốn ra thì cổ phiếu đó sẽ bị sập xuống. Cổ phiếu tăng không phải vì doanh nghiệp cần tiền để đầu tư công nghệ, đầu tư phát triển sản xuất với kỳ vọng trong một thời gian sẽ tạo ra lãi suất gấp 2, gấp 3 lần lãi suất ngân hàng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần là một cơ quan độc lập
Cá nhân ông đánh giá như thế nào trước ý kiến cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên là một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ thay vì thuộc Bộ Tài chính như hiện nay?
Trước hết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải độc lập một cách tương đối với các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động theo luật. Ở các nước, ngân hàng độc lập với chính phủ trong khi ở Việt Nam, ngân hàng là một thành viên của chính phủ. Chứng khoán cũng vậy.
Việc hình thành thị trường chứng khoán của Việt Nam khác với sự hình thành thị trường chứng khoán của các nước. Ở các nước, hình thành thị trường chứng khoán là một yêu cầu tất yếu của thị trường và buộc hình thành sàn giao dịch để huy động vốn và từ đấy định ra luật chơi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Nhà nước thành lập thị trường chứng khoán và đưa ra luật chơi. Đó gần như là một cái trường để hướng dẫn các doanh nghiệp bước đầu vào thị trường, để huy động vốn và huy động những người có vốn nhàn rỗi trong xã hội tham gia góp vốn vào đầu tư, xây dựng doanh nghiệp và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, do số doanh nghiệp có cổ phiếu đưa lên thị trường còn hạn chế nên chúng ta bị hiện tượng là "chơi chứng khoán", mô tả việc đầu cơ trên thị trường chứng khoán chứ không phải đầu tư. Đa phần các nhà đầu tư và môi giới đều là các nhà đầu cơ. Rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm nâng vốn, thay đổi phương thức quản trị và huy động vốn.
Tôi thiên về ý tưởng, thứ nhất, Ủy ban Chứng khoán phải hoạt động theo Luật Chứng khoán. Như vậy, phải trang bị cho nó đủ thẩm quyền để có thể quyết định việc kiểm tra, xử lý những vấn đề phát sinh trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, nó là một cơ quan chuyên ngành nhưng khi đặt vào Bộ Tài chính, khiến thời gian xử lý vấn đề của thị trường bị kéo dài và không kịp thời.
Nếu Luật Chứng khoán chưa có quy định cụ thể thì bổ sung điều khoản cụ thể tổ chức bộ máy của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu không tách ra, trong luật cũng phải bổ sung, làm rõ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Tài chính với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo luật đề xuất ngân hàng phải cung cấp sao kê, công ty viễn thông cung cấp sao kê cuộc gọi cho Ủy ban Chứng khoán để tăng quyền giám sát, ông có đồng tình với ý kiến này?
Ở đây, chúng ta cần hiểu rõ rằng cung cấp sao kê không phải theo cách thoải mái, tùy tiện. Đối với các trường hợp có triệu chứng vi phạm, Ủy ban Chứng khoán có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp dữ liệu để làm rõ nguồn tiền mua cổ phiếu từ đâu, đó là nguồn tiền sạch hay rửa tiền. Việc yêu cầu chỉ diễn ra khi có dấu hiệu bất minh.
Ví dụ một người mua một lúc mua 50 đến 60 tỷ đồng cổ phiếu. Khi chuyển tiền, nhà đầu tư phải giải trình tiền này từ đâu. Nếu không giải trình được, Ủy ban Chứng khoán có quyền yêu cầu ngân hàng chuyển tiền làm rõ nguồn tiền đến từ đâu, có phải do một ngân hàng khác chuyển đến để mua và thực hiện sở hữu chéo hay không. Đây là điều nước nào cũng phải làm. Luật Phòng chống rửa tiền cũng phải có những quy định.
Việc nâng vốn tối thiểu với doanh nghiệp niêm yết từ 10 đến 30 tỷ đồng có gây tác động tới những doanh nghiệp nhỏ?
Dựa vào thực tế từ khi ban hành luật chứng khoán tới nay, việc nâng mức vốn hóa tối thiểu để tham gia thị trường lên 30 tỷ chỉ bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của những người tham gia thị trường chứng khoán chứ không gây khó khăn gì cho việc tiếp cận thị trường.
Qua báo chí và nhiều đại biểu phản ánh, tôi biết rằng có nhiều người sợ quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng chỉ là một trong nhiều phương thức huy động vốn mà doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường có thể áp dụng.
Bên cạnh việc vay các tổ chức tín dụng, phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, chúng ta còn các hình thức mua bán giấy tờ có giá như trái phiếu công trình, trái phiếu dự án, trái phiếu doanh nghiệp với sự tư vấn của các tổ chức tín dụng để huy động vốn trên thị trường.