- Sau 3-4 năm, Quảng Ninh đã huy động tới 48.000 tỷ đồng vốn tư nhân để đầu tư cho hạ tầng giao thông, gần 1/3 so với con số hơn 171.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước mà Bộ Giao thông Vận tải huy động trong 5 năm 2011-2016. Ông nói gì về con số ấn tượng này?
- Giao thông đối với kinh tế xã hội được ví như là mạch máu trong cơ thể của con người, giao thông đi trước mở đường cho phát triển kinh tế xã hội.
Vài năm qua, Quảng Ninh phấn đấu trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp và hiện đại trong đó phát triển hệ thống giao thông hiện đại được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của địa phương. Các cấp ngành đều dồn sức để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện căn bản và động lực để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở trên địa bàn.
Chúng tôi có nhiều dự án giao thông kết nối chặng đường dài trong những năm qua. Nếu các bạn nhớ lại năm 1993, Quảng Ninh hoàn thành kết nối trung tâm các huyện và thị trấn. Năm 1998 hoàn thành cầu hóa các đập tràn trên chiến lược giao thông và tranh thủ nguồn lực đầu tư, tổ chức quốc tế để đầu tư các dự án chiến lược như cầu Bãi Cháy, cảng Cái Lân hay những hạ tầng giao thông khác.
|
Ảnh: Zing |
Vài năm trở lại đây, chúng tôi tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là từ kinh tế tư nhân, thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư để triển khai dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Điều này giúp tạo diện mạo hạ tầng giao thông mới theo hướng đồng bộ hiện đại, từ đó là động lực cho phát triển kinh tế.
- Tại sao địa phương lại chọn đầu tư theo hình thức hợp tác công tư mà không phải hình thức nào khác? Từ thực tiễn tại địa phương, ông nghĩ bài học nào cho sự phát triển các dự án hạ tầng ở các tỉnh thành?
- Bất cứ quốc gia nào kể cả tại các nước phát triển, Nhà nước không thể dùng ngân sách phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhất là kinh tế tư nhân nắm vai trò quan trọng.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân với những quyết sách mạnh mẽ, có nghị định và khung pháp lý để các địa phương triển khai các nhiệm vụ về thu hút nguồn lực này.
Quảng Ninh với quyết tâm không phân biệt đó là dự án thuộc nhiệm vụ chi của trung ương hay địa phương, miễn là cùng mục tiêu đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Chúng tôi cũng xác định nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, quỹ quốc tế cũng hạn chế dần trong xu thế phát triển của các quốc gia. Trong khi đó, nguồn lực từ kinh tế tư nhân nhất là nguồn lực sẵn có trong nước lại đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Các nhà đầu tư cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược với các dự án lớn và quan tâm đến sự phát triển tổng thể trong địa bàn, cùng Nhà nước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.
Đó là thời cơ và điều kiện căn bản để các địa phương thu hút nguồn lực đầu tư từ kinh tế tư nhân và phát triển hạ tầng giao thông.
Qua thực tiễn, chúng tôi cũng rút ra bài học kinh nghiệm cho mình trong thu hút nguồn lực tư nhân. Trước hết là chuyển đổi căn bản nhận thức trong cả hệ thống chính trị vai trò của giao thông trong phát triển kinh tế, khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại. Chính vì vậy Quảng Ninh với quyết tâm không phân biệt đó là dự án thuộc nhiệm vụ chi của trung ương hay địa phương, miễn là cùng mục tiêu đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại. Thời gian qua, chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành công từ nhận thức đó.
Từ năm 2012, chúng tôi chủ động và nói thực sự là không tiếc tiền để xây dựng những quy hoạch có sự tham gia tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới về 7 quy hoạch chiến lược phát triển của tỉnh trong đó có quy hoạch giao thông để đảm bảo phát triển bài bản, có tính hệ thống, cơ sở để các nhà đầu tư yên tâm dốc vốn đầu tư. Chúng tôi cũng chọn dự án có tính trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Chúng tôi luôn trăn trở trước khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, triển khai dự án trong suốt vòng đời. Điều này tạo niềm tin với các nhà đầu tư.
- Ông nói Quảng Ninh “không tiếc tiền” cho xây dựng quy hoạch. Vì sao, thưa ông?
- Quy hoạch là tầm nhìn của lãnh đạo, là công cụ của cơ quan quản lý. Đó cũng là sự hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư giảm thiểu băn khoăn và ra quyết định đầu tư.
Thời gian qua, chúng tôi dành nhiều công sức để đầu tư và triển khai những quy hoạch mang tính chiến lược.
Đơn cử, với đơn vị hành chính đặc biệt kinh tế Vân Đồn, chúng tôi đã có đề án từ rất sớm, báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý để đưa vào quy hoạch tổng thể của địa phương. Các quy hoạch này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược chủ động tài trợ giúp chúng tôi xây dựng quy hoạch có sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu trên thế giới.
Hiện nay, chúng tôi thường xuyên làm việc với các đơn vị tư vấn với phương châm quy hoạch là của Nhà nước, tỉnh và các ngành cùng làm với các đơn vị tư vấn chứ không còn tình trạng khoán trắng như trước đây. Tỉnh cũng đào tạo đội ngũ cán bộ am hiểu hơn về tầm quan trọng và nội dung quy hoạch để từ đó có ý thức và kỹ năng khi tham gia vào việc quản lý.
Tỉnh quan niệm quy hoạch không mang tính nhiệm kỳ và không bị lãng quên hay tùy tiện.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Chúng tôi quan niệm quy hoạch không mang tính nhiệm kỳ và không bị lãng quên hay tùy tiện. Vì thế, Vân Đồn phải có quy hoạch chất lượng, để thành đặc khu, đảm bảo các nhà đầu tư chiến lược yên tâm làm ăn lâu dài theo hướng phát triển bền vững, khai thác tốt nhất lợi thế vượt trội của địa phương.
- Quảng Ninh đang thay đổi mỗi ngày với một loạt các dự án hạ tầng lớn vừa và sắp hoàn thành tại địa phương. Điều này có ý nghĩa ra sao với việc hình thành đặc khu kinh tế trong tương lai, theo đánh giá của ông?
- Vân Đồn đang được Quốc hội xem xét chuẩn bị Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược đã dũng cảm cùng với chúng tôi rót vốn cho dự án động lực, có tính đi trước đón bắt thời cơ để mở cơ hội cho các nhà đầu tư khác như dự án cảng hàng không Vân Đồn. Dự kiến, tháng 10 tới đây Cảng hàng không Vân Đồn sẽ bay thương mại.
Tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, họ cho biết nhờ những dự án như vậy họ mới quyết định rót vốn, nhờ điều kiện thuận lợi về hạ tầng, đảm bảo hiệu quả.
Quảng Ninh xác định chú trọng các nhà đầu tư chiến lược, những người có kế hoạch đầu tư dài hạn, bền vững đối với Vân Đồn. Chúng tôi tin những nhà đầu tư có tầm nhìn và chiến lược dài hạn chắc chắn sẽ cùng chúng tôi xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thành công trong tương lai.
- Về Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tôi vẫn nhớ TS Trần Đình Thiên nhiều lần nhắc đến dự án như một điển hình thành công của việc thu hút vốn đầu tư tư nhân, khi tốc độ hoàn thành nhanh. Chúng ta có thể học được gì từ dự án này?
Tôi khẳng định dự án của các nhà đầu tư kinh tế tư nhân tại Quảng Ninh đều có tốc độ triển khai rất nhanh, vượt kế hoạch. Chất lượng đầu tư cho tới nay các cơ quan thẩm định trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là một trong những điều khác biệt.
Tôi nghĩ, đầu tư bằng vốn ngân sách cần phải có cách làm đổi mới để có thể phát huy hiệu quả như như đầu tư vốn tư nhân. Tất nhiên, Nhà nước phải có sự hỗ trợ, cam kết dài hạn để đảm bảo tính ổn định của các dự án đó.
- Thực tế con số các nhà đầu tư tiềm lực vào Quảng Ninh còn ít. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng tôi rất trăn trở và suy nghĩ. Tôi kể câu chuyện hơi dông dài một chút. Cách đây 5 năm chúng tôi mời những nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới như tập đoàn Lavegas đến đầu tư ở Vân Đồn. Ông tỷ phú đã trực tiếp bay chuyên cơ đến Vân Đồn để khảo sát và đưa ra quyết định đầu tư.
Sau một ngày ông đưa 4 câu hỏi, đúng ra là 4 yêu cầu. Đầu tiên, phải có quy hoạch tầm quốc gia xác định Việt Nam có bao nhiêu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như Vân Đồn. Ngày đó, chúng tôi chưa dám mạnh dạn trả lời. Thứ 2 là trong quy hoạch có hệ thống đường giao thông kết nối từ Hà Nội đến Vân Đồn, vậy ngày nào giờ nào các ông hoàn thành, có cảng hàng không đây ngày nào giờ nào đưa vào khai thác… Những nội dung đó cần được ký kết bằng văn bản cụ thể. Ba là đặc khu trên thế giới đều được điều chỉnh bằng luật, tại Việt Nam, bao giờ có luật. Và bốn là, ai là người chịu trách nhiệm chính có thể thay Chính phủ, chính quyền tỉnh để trực tiếp làm việc giải đáp xử lý những vấn đề của nhà đầu tư.
Đó cũng là yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khác. Nếu chưa thỏa mãn những yêu cầu này thì chưa thuyết phục được họ rót vốn.
Thời gian qua, chúng tôi tập trung xử lý các nội dung này. Hy vọng khi Quốc hội bấm nút thông qua luật đặc khu, cùng với hạ tầng kết cấu đồng bộ, quy hoạch bài bản đã được tạo dựng, thì dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư ngoại sẽ vào. Họ sẽ cùng với nhà đầu tư trong nước khai thác tốt nhất lợi thế ở vùng đất này.
Thực ra các nhà đầu tư trong nước đang được quyền lựa chọn để phát triển ở vùng động lực. Cách nhìn nhận về vai trò của nhà đầu tư trong nước cũng đang ngày một khác đi.
Khi các yếu tố đã được chuẩn bị kỹ: luật được thông qua, quy hoạch bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, bộ máy chính quyền thông suốt, hiệu lực hiệu quả, vai trò của người đứng đầu xứng tầm thì chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ thế giới. Những nhà đầu tư đứng trong nhóm 500 nhà đầu tư tầm cỡ thế giới là hoàn toàn khả thi.